NGC 1805

Kính thiên văn không gian Hubble của NASA và ESA đã ghi hình được vẻ đẹp rực rỡ của cụm sao cầu NGC 1805.

Những cụm sao cầu là những hệ chứa những sao rất già, liên kế với nhau bởi lực hấp dẫn, tạo thành những cấu trúc có đường kính từ 100 tới 200 năm ánh sáng.

Chúng nằm trong số những đối tượng già nhất trong vũ trụ và là chứng tích của những kỷ nguyên đầu tiên của sự hình thành thiên hà.

Các cụm sao cầu chứa hàng trăm nghìn hay thậm chí có thể một triệu sao. Khối lượng lớn ở vùng trung tâm của cụm kéo các sao vào tạo thành một khối cầu sao. Từ "cầu" (globular) trong tên gọi những cấu trúc như vậy xuất phát từ "gobulus" trong tiếng Latin, có nghĩa là "quả cầu nhỏ".

Các nhà khoa học cho rằng mọi thiên hà đều có nhiều cụm sao cầu. Một số thiên hà, chẳng hạn như Milky Way của chúng ta, có hàng trăm cụm, còn những thiên hà elip thì có thể có tới vài nghìn cụm như vậy.

NGC 1805 nằm cách chúng ta khoảng 163.000 năm ánh sáng, ở khu vực của chòm sao Dorado (Cá nục heo, đôi khi được cho là cá kiếm hoặc cá vàng - một chòm sao ở Bán thiên cầu Nam).

Cụm sao này còn có những ký hiệu khác là ESO 85-32 và KMHK 459. Nó nằm ở khu vực ngoại vi của Mây Magellan Lớn (LMC) - một thiên hà vệ tinh của Milky Way.

NGC 1805 được phát hiện vào ngày 24 tháng 9 năm 1826 bởi nhà một thiên văn học người Scotland là James Dunlop.

"Thông thường, các cụm sao cầu chứa những ngôi sao ra đời cùng thời điểm. Tuy nhiên, NGC 1805 bất thường bởi nó dường như chứa hai quần thể sao có tuổi cách nhau vài triệu năm," các nhà thiên văn học của kính Hubble cho biết.

"Việc quan sát những cụm sao như vậy giúp chúng tôi hiểu cách mà các sao tiến hóa, và những cơ chế nào quyết định liệu chúng sẽ kết thúc cuộc đời của mình là một sao lùn trắng hay phát nổ thành các supernova."

"Sự khác biệt nổi bật về màu sắc làm nổi rõ vẻ đẹp rực rỡ trong bức ảnh này của Hubble với sự kết hợp của hai loại ánh sáng: các sao xanh sáng nhất ở dải cận tử ngoại và các sao đỏ phát sáng ở dải sáng đỏ và cận hồng ngoại," họ nói.

"Những kính thiên văn không gian như Hubble có thể quan sát tia tử ngoại vì chúng được đặt ngoài khí quyển của Trái Đất vốn hấp thụ hầu hết bước sóng này khiến các cơ sở quan sát trên mặt đất không thu được."

R.T
Theo Sci-News