Kính thiên văn không gian Hubble của NASA và ESA đã chụp bức ảnh chi tiết nhất từng có về một láng giềng của thiên hà chúng ta, đó là thiên hà Triangulum - một thiên hà xoắn chỉ cách chúng ta khoảng 3 triệu năm ánh sáng. Cuộc khảo sát toàn cảnh về thiên hà lớn thứ ba trong Cụm Địa Phương này đã mang lại một cái nhìn đầy mê hoặc về 40 tỷ ngôi sao đã tạo nên Triangulum (còn có tên là M33, hoặc NGC 598) - cấu trúc xa nhất mà chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Hình ảnh mới về thiên hà Triangulum có độ phân giải lên tới 665 triệu pixel và hiển thị rõ vùng trung tâm của thiên hà cùng những cánh tay xoắn phía trong của nó (hình ảnh bạn thấy trong bài viết này đã được thu nhỏ để phù hợp với kích thước hiển thị của website). Để có được cái nhìn tổng quan và chi tiết như vậy, máy ảnh của Hubble đã phải tổng hợp từ 54 hình ảnh riêng biệt.
Trong điều kiện lý tưởng của bầu trời đêm, thiên hà Triangulum có thể được nhìn thấy bằng mắt thường là một vật thể mờ trong chòm sao Triangulum (Tam Giác). Nó là một trong những mục tiêu hấp dẫn để quan sát đối với các nhà thiên văn nghiệp dư.
Ở khoảng cách chỉ 3 triệu năm ánh sáng tính từ Trái Đất, thiên hà Triangulum là một trong những thành viên chính của Cụm Địa Phương - một cụm thiên hà nhỏ chứa khoảng 50 thiên hà trong đó có thiên hà Milky Way của chúng ta. Nó là thiên hà lớn thứ ba, đồng thời cũng là thiên hà xoắn nhỏ nhất trong cụm (sau Andromeda và Milky Way). Thiên hà này có đường kính chỉ khoảng 60.000 năm ánh sáng, trong khi Andromeda có đường kính là 200.000 còn Milky Way là 100.000 năm ánh sáng.
Về độ sáng, Triangulum cũng sáng yếu hơn Andromeda và Milky Way bởi lượng sao ít hơn. Dù vậy, rất khó để khẳng định chắc chắn về số lượng sao của nó khi mà ở bức ảnh này đã có từ 10 đến 15 triệu sao riêng biệt.
Trái ngược với hai thiên hà xoắn lớn của Cụm, thiên hà Triangulum không có một chỗ phình sáng ở trung tâm và nó cũng không có một thanh liên kết các cánh tay với trung tâm thiên hà. Tuy nhiên, nó có một lượng lớn khí và bụi, dẫn tới sự tạo sao nhanh. Tốc độ tạo sao của nó là cứ trung bình 2 năm thì có một khối lượng tương đương với Mặt Trời được tạo thành sao.
Sự phong phú của những đám mây khí trong thiên hà Triangulum chính là thứ đã khiến các nhà thiên văn học thực hiện khảo sát chi tiết này. Khi các sao ra đời, chúng sử dụng vật chất trong những đám mây khí và bụi, làm giảm bớt nguyên liệu cho sự hình thành các sao mới sau đó. Hình ảnh của Hubble cho thấy hai trong số bốn vùng tạo sao lớn nhất là NGC 595 và NGC 604. Trong đó NGC 604 là vùng hydro ion hóa sáng thứ hai trong Cụm Địa Phương và cũng là một trong những vùng tạo sao lớn nhất từng được biết tới trong Cụm.
Những quan sát chi tiết này mang lại giá trị rất lớn. Với việc kết hợp cùng quan sát Milky Way, Andromeda và hai thiên hà không định hình được gọi là Mây Magellan lớn và nhỏ, chúng sẽ giúp các nhà thiên văn học hiểu rõ hơn về sự hình thành và tiến hóa của các sao.
Bryan
Theo Science Daily
Đọc thêm: