Milky Way

Hầu hết thông tin chúng ta có về quầng thiên hà của Milky Way tới từ phía bên trong của nó mà chúng ta có thể quan sát ở gần vùng lân cận của Mặt Trời. Tuy nhiên, mới đây, lần đầu tiên tính chất hóa học của các vùng ngoài của quầng thiên hà đã được khám phá với quang phổ biểu kiến phân giải cao của 28 sao khổng lồ đỏ cách xa Mặt Trời.

Phương pháp được sử dụng là phân tích quang phổ, phân tách ánh sáng đến từ các ngôi sao thành các tần số khác nhau để thu được thông tin về thành phần hóa học của chúng. Phân tích tính chất hóa học của các sao có thể mang lại thông tin về đặc tính của môi trường nơi chúng đã ra đời.

Tác giả chính của nghiên cứu là Giuseppina Battaglia ở Viện vật lý thiên văn Canary (Tây Ban Nha) nói: "Sự phong phú của các nguyên tố hóa học trong các sao ở các vùng ngoài quầng Milky Way có sự khác biệt đáng ngạc nhiên so với thông tin chúng tôi đã có về các vùng trong của nó."

Mặt khác, nhiều điều tương đồng đã được phát hiện nhờ thành phần hóa học đã được quan sát của các sao trong các thiên hà lùn tương đối lớn ở gần như Sagittarius và Mây Magellan lớn (LMC). Những dấu hiệu này cho chúng ta biết rằng những vùng ngoài của quầng có thể chứa phần còn lại của một (hoặc nhiều hơn) thiên hà lùn lớn đã bị nuốt bởi Milky Way trước đây.

Các quầng có chứa sao là một thành phần phổ biến của các thiên hà như Milky Way.

"Lý thuyết giải thích sự hình thánh cấu trúc và các thiên hà trong vũ trụ dự đoán rằng các quầng - đặc biệt là vùng ngoài của chúng - có chứa chủ yếu các phần đã bị phá hủy của những thiên hà nhỏ hơn," Battaglia bình luận. "Việc này thống nhất với các phát hiện bằng quan sát của nghiên cứu này, nơi mà chúng tôi tìm thấy tàn dư của các thiên hà lùn đã bị ăn thịt quanh Milky Way."

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu quan sát khoảng 100 giờ của các kính thiên văn thuộc nhiều cơ sở ở cả Bắc và Nam bán cầu. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu sử dụng kính Kueyen thuộc hệ thống kính VLT của ESO ở Parabal và kính thiên văn Clay của cặp kính Magellan ở Las Campanas (hai địa điểm đều ở Chile), đồng thời với kính thiên văn Hobby Eberly ở Texas (Mỹ).

Tuấn Phong
Theo Space Daily

 

Đọc chi tiết về thiên hà Milky Way: Milky Way - thiên hà của chúng ta