ESO captures

Các nhà thiên văn học đã công bố một bản đồ hồng ngoại khổng lồ của thiên hà Milky Way với độ chi tiết chưa từng có trước đây, bao gồm tổng cộng hơn 1,5 tỷ vật thể. Sử dụng kính thiên văn VISTA của Đài quan sát Nam bán cầu của châu Âu (ESO), nhóm nghiên cứu đã theo dõi khu vực trung tâm của thiên hà chúng ta trong hơn 13 năm. Với 500 terabyte dữ liệu, đây là dự án quan sát lớn nhất từng được thực hiện bởi một kính thiên văn của ESO.

Một bài báo chi tiết về những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Astronomy & Astrophysics.

"Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều khám phá, thay đổi hoàn toàn cách nhìn về thiên hà của chúng ta," nhà vật lý thiên văn Dante Minniti tại Đại học Andrés Bello ở Chile, người dẫn đầu dự án, cho biết.

Bản đồ lập kỷ lục này bao gồm 200.000 bức ảnh được chụp bởi kính thiên văn VISTA của ESO – Kính thiên văn Khảo sát hồng ngoại và khả kiến dành cho Thiên văn học. Được đặt tại Đài quan sát Paranal của ESO ở Chile, mục đích chính của kính thiên văn này là lập bản đồ những vùng rộng lớn trên bầu trời. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy ảnh hồng ngoại VIRCAM của VISTA, cho phép nhìn xuyên qua bụi và khí bao phủ thiên hà của chúng ta. Nhờ đó, VIRCAM có thể quan sát bức xạ từ những nơi ẩn sâu nhất của thiên hà Milky Way, mở ra một cái nhìn độc đáo về môi trường thiên hà của chúng ta.

Bộ dữ liệu khổng lồ này bao phủ một khu vực bầu trời tương đương với 8600 lần kích thước của Mặt Trăng khi nhìn từ Trái Đất, và chứa số lượng vật thể gấp 10 lần so với bản đồ trước đó do cùng nhóm phát hành vào năm 2012. Bản đồ bao gồm các sao trẻ thường bị ẩn trong những kén bụi và các cụm sao cầu - những nhóm dày đặc gồm hàng triệu ngôi sao già bậc nhất trong Milky Way. Quan sát ở dải sóng hồng ngoại cũng cho phép VISTA phát hiện những vật thể rất lạnh, phát sáng ở bước sóng này, như những sao lùn nâu (những "ngôi sao thất bại" không có quá trình tổng hợp hạt nhân) hoặc những hành tinh trôi nổi tự do không có quỹ đạo quanh ngôi sao nào.

Các quan sát bắt đầu từ năm 2010 và kết thúc vào nửa đầu năm 2023, kéo dài tổng cộng 420 đêm. Bằng cách quan sát mỗi khu vực bầu trời nhiều lần, nhóm nghiên cứu không chỉ xác định vị trí của những vật thể này mà còn theo dõi chuyển động và sự thay đổi độ sáng của chúng.

Họ đã lập biểu đồ các ngôi sao có độ sáng thay đổi định kỳ, có thể được sử dụng như những thước đo chuẩn của vũ trụ để đo khoảng cách. Điều này giúp chúng ta có một cái nhìn 3D chính xác về vùng trong của Milky Way, vốn trước đây bị che khuất bởi bụi. Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi các sao có vận tốc cao - những sao di chuyển nhanh bị đẩy ra khỏi khu vực trung tâm của Milky Way sau một cuộc gặp gỡ gần với lỗ đen siêu nặng ở đó.

Bản đồ mới chứa dữ liệu được thu thập trong khuôn khổ dự án khảo sát VISTA Variables in the Vía Láctea (VVV) và dự án bổ sung VVV eXtended (VVVX). (*)

"Dự án là một nỗ lực phi thường, chỉ có thể thực hiện được nhờ chúng tôi có một nhóm tuyệt vời," nhà vật lý thiên văn Roberto Saito tại Đại học Liên bang Santa Catarina ở Brazil và là tác giả chính của bài báo cho biết.

Các dự án khảo sát VVV và VVVX đã dẫn đến hơn 300 bài báo khoa học. Với việc khảo sát đã hoàn thành, việc khai thác khoa học từ dữ liệu thu thập sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới. Trong khi đó, Đài quan sát Paranal của ESO đang được chuẩn bị cho tương lai: VISTA sẽ được nâng cấp với thiết bị mới 4MOST và đài VLT của ESO sẽ nhận được thiết bị MOONS. Cùng nhau, chúng sẽ cung cấp quang phổ của hàng triệu vật thể đã được khảo sát ở đây, hứa hẹn nhiều khám phá đáng kinh ngạc sắp tới.

Bryan
Theo ESO

(*) Chú thích của người dịch: "Vía Láctea" là cụm từ trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa tương ứng với "Milky Way", vì thế "Variables in the Vía Láctea" có nghĩa là dự án khảo sát các sao biến quang trong thiên hà Milky Way.