Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học ở đại học Leicester, lỗ đen ở trung tâm các thiên hà có thể lớn lên tới khối lượng gấp 50 tỷ lần khối lượng của Mặt Trời trước khi làm mất đĩa khí chúng cần để duy trì.

 

Trong nghiên cứu có tên "Lỗ đen có thể lớn tới đâu?" được công bố trên tạp chí Báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia (Anh), giáo sư Andrew King ở khoa vật lý và thiên văn học đại học Leicester khám phá các lỗ đen siêu nặng ở trung tâm các thiên hà, xung quanh chúng là những vùng không gian mà khí lắng vào thành đĩa chuyển động quanh.

Khí này có thể mất năng lượng và rơi vào bên trong, trở thành thức ăn nuôi lớn lỗ đen. Nhưng những đĩa này đã được biết rằng không ổn định và chúng có thể tạo thành các sao.

Giáo sư King đã tính rằng việc lỗ đen cần lớn tới đâu để không có đĩa khí của nó tiếp tục tạo thành, và kết quả là 50 tỷ lần khối lượng Mặt Trời.

Nghiên cứu gợi ý rằng nếu không có đĩa, lỗ đen sẽ ngừng lớn thêm, có nghĩa là 50 tỷ lần khối lượng Mặt Trời là giới hạn trên của khối lượng lỗ đen. Cách duy nhất để lỗ đen có thể lớn thêm là khi có một ngôi sao rơi thằng vào nó hoặc hợp nhất với một lỗ đen khác.

King cho biết: "Tầm quan trọng của phát hiện này là ở chỗ các nhà thiên văn học đã tìm ra các lỗ đen với gần khối lượng tối đa bằng cách quan sát một lượng lớn bức xạ phát ra từ các đĩa khí khi chúng bị cuốn vào lỗ đen. Giới hạn khối lượng có nghĩa là không hề có những lỗ đen với khối lượng lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta đã biết, vì không có đĩa khí nào để tạo ra như thế."

"Khối lượng lớn hơn của lỗ đen về lý thuyết là có thể, chẳng hạn như một lỗ đen gần giới hạn hợp nhất với một lỗ đen khác và như vậy khối lượng của nó có thể lớn hơn. Tuy nhiên không có bức xạ nào được tạo ra từ sự sáp nhập này, và lỗ đen lớn sau khi sáp nhập không thể có một đĩa khí phát ra các bức xạ. Người ta vẫn có thể phát hiện ra lỗ đen như thế theo phương pháp khác, chẳng hạn như là sự uốn cong các tia sáng đi qua rất gần nó (thấu kính hấp dẫn) hay có lẽ trong tương lai chúng ta sẽ phát hiện được sóng hấp dẫn phát ra trong quá trình sáp nhập đó như dự đoán của thuyết tương đối rộng Einstein."

Bryan (VACA)
Theo Space Daily