Các nhà khoa học đang làm sáng tỏ thêm thông tin về sao chổi C/2012 S1 (ISON) đang tiếp tục cuộc hành trình của nó về phía Mặt Trời. Sao chổi C/ISON sẽ lướt qua cách bề mặt Mặt Trời khoảng 730.000 dặm (khoảng 1.175.000km) vào ngày 28 tháng 11 và có thể dễ dàng quan sát từ Trái Đất từ đầu tháng 12.

"Chúng tôi đã đo đạc cực quay của lõi sao chổi. Nó cho thấy chỉ có một mặt của sao chổi bị đốt nóng bởi Mặt Trời trên đường nó tiến tới cho tới khi chỉ còn một tuần trước khi nó đạt điểm gần Mặt Trời nhất" - Jian-Yang Li, nhà nghiên cứu tại Viện khoa học hành tinh, trưởng nhóm ghi hình sao chổi cho biết.

"Bề mặt phía tối của sao chổi vẫn giữ lại được các chất dễ bay hơi của mình, nên khi tiếp xúc đột ngột với ánh sánh từ Mặt Trời khi nó tới gần Mặt Trời hơn cả Sao Thủy có thể gây ra những vụ nổ vật chất lớn" Li nói.

Li giới thiệu phát hiện này tạo Hội nghị thường niên lần thứ 45 của Ban khoa học hành tinh thuộc Tổ chức thiên văn học Mỹ tổ chức tại Denver.

Sao chổi C/ISON đã được ghi hình bởi kính thiên văn không gian Hubble sử dụng camera trường rộng số 3 vào hôm 10 tháng 4.

"Chúng tôi đã đo đạc màu sắc của sao chổi, và thấy rằng phần ngoài của nó đỏ hơn phần trong", Li nói, "Sự thay đổimàu sắc này ở sao chổi là không bình thường, có vẻ như phần trong chứa một số hạt nước đá, thăng hoa khi chúng di chuyển ra phía ngoài lõi sao chổi."

Sao chổi C/ISON được phát hiện vào tháng 9 năm 2012 khi nó còn ở xa Mặt Trời hơn Sao Mộc, và đã bắt đầu cháy sáng từ thời điểm đó. Đây là điều khác biệt với hầu hết các sao chổi khác thường chỉ được phát hiện và quan sát được trong vài ngày ở gần Mặt Trời nhất.

Ở điểm gần Mặt Trời nhất (cận nhật), các sao chổi được trông đợi rằng sẽ được Mặt Trời đốt nóng và tạo nên sự thăng hoa không chỉ của băng mà cả silic và thậm chí là các kim loại, giải phóng ra một lượng lớn bụi. Kì vọng lớn hơn được đặt vào sao chổi C/ISON rằng nó sẽ sáng hơn so với hầu hết các sao chổi khác khi nó bắt đầu màn trình diễn của mình vào cuối năm nay.

"Lần đầu tiên tiến sâu vào bên trong của Hệ Mặt Trời, sao chổi C/ISON mang tới cho các nhà thiên văn một cơ hội hiếm có để nghiên cứu một sao chổi còn mới tinh, giữ nguyên được từ khi hình thành Hệ Mặt Trời", Li nói, "Độ sáng được kì vọng của sao chổi khi nó tới gần Mặt Trời cho phép nhiều đo đạc quan trọng vốn không thể thực hiện với những sao chổi mới khác."

Bryan (VACA)
Theo Space Daily