Một nhà thiên văn nghiệp dư đã chứng kiến và ghi hình cảnh một phần đuôi của sao chổi xanh lá C/2022 E3 bị thổi tung bởi một vụ phun trào nhật hoa lớn từ Mặt Trời.
Hình ảnh này được chụp bởi Michael Jäger, một nhà thiên văn nghiệp dư ở Áo. Nó cho thấy một cột khí bi cắt đứt khỏi đuôi của sao chổi và bị thổi dạt ra xa bởi gió Mặt Trời. Việc này được gây ra bởi một vụ bùng nổ các hạt năng lượng cao ở Mặt Trời mà các nhà khoa học gọi là những vụ phun trào nhật hoa lớn (viết tắt là CME).
CME là những đám plasma có thể đạt tới trên 20 triệu độ C bị thổi tung khỏi bề mặt của Mặt Trời, thường xảy ra khi ở Mặt Trời xuất hiện các vết đen. Các vết đen và các CME xuất hiện thường xuyên hơn thông thường khi Mặt Trời tới gần cực đại trong chu kỳ 11 năm của nó - được dự đoán sẽ là năm 2025.
Khi một CME hướng về phía Trái Đất, nó có thể gây hư hại cho các vệ tinh, gây ra cực quang và làm nhiễu loạn hệ thống điện trên diện rộng. Khi nó đi qua một sao chổi, những hạt di chuyển với vận tốc cao có thể làm đứt đoạn đuôi của sao chổi và đẩy chúng ra xa.
Tuần vừa rồi đã có vài CME phát nổ ở Mặt Trời, và có vẻ một trong số chúng đã va chạm với sao chổi xanh lá đang tới gần cận nhật lần đầu tiên sau 50.000 năm.
Sao chổi C/2022 E3 sẽ tới gần Trái Đất nhất vào ngày 01 tháng 02 tới đây, chỉ cách chúng ta khoảng 42 triệu km. Người quan sát tại những khu vực ít ô nhiễm sẽ có cơ hội theo dõi sao chổi này vào những đêm lân cận thời điểm vừa nêu nếu như thời tiết thuận lợi và có sự hỗ trợ của ống nhòm hoặc kính thiên văn.
R.T
Theo Live Science