Một sao chổi rất hiếm vừa được phát hiện gần đây hơi có màu xanh lá cây, được trông đợi rằng sẽ lao qua gần Trái Đất trong vài tuần tới, nhưng người quan sát có lẽ sẽ cần tới các ống nhòm và kính thiên văn để thấy được nó.
Elaina Hyde - giáo sư ở Đại học York và là giám đốc của Đài quan sát Allan I. Carswell thuộc khoa Khoa học của trường này - cho biết: "Nó sẽ đi ngang qua khu vực của chòm sao Corona Borealis trước khi Mặt Trời mọc ở Toronto vào sáng mùng 1 tháng 2. Đài quan sát Allan I. Carswell dự định sẽ nhắm vào đối tượng đáng chú ý này bằng kính thiên văn đường kính 1 mét của chúng tôi."
Lần cuối sao chổi này (được phát hiện vào năm ngoái bởi các nhà thiên văn ở Nam California và được đặt tên là C/2022 E3) đi ngang qua Trái Đất là cách đây khoảng 50.000 năm, và có lẽ nó sẽ không bao giờ quay trở lại nữa.
Nó sẽ tới gần Trái Đất nhất vào lúc 1h11 sáng mùng 2 tháng 2 tới đây theo giờ Việt Nam, khi đó nó ở cách chúng ta khoảng 42 triệu km. Tuy nhiên, nó sẽ sáng tới mức nào thì chưa ai nói chắc được cả.
"Ngay bây giờ, bạn chắc chắn cần tới ống nhòm tốt hoặc kính thiên văn nhỏ để thấy được sao chổi này, nhưng tới cuối tháng thì có thể nó sẽ quan sát được bằng mắt thường", Sarah Rugheimer - cũng ở Đại học York và Đài quan sát Allan I. Carswell - nói. "Việc đó cũng phụ thuộc vào mức độ ô nhiễm ánh sáng ở chỗ bạn và liệu bạn sẽ có bầu trời trong hay là đầy mây."
R.T
Theo Phys.org
(VACA sẽ tiếp tục thông tin về khả năng quan sát sao chổi này trong thời gian tới).