Các nhà thiên văn học đã tìm thấy bằng chứng về một ngôi sao giống Mặt Trời quay trở lại với hoạt động sau khi đã phá vỡ lớp vỏ khí của nó vào không gian, gợi ý một số phận tương tự sẽ xảy ra với Hệ Mặt Trời của chúng ta trong vài tỷ năm nữa.

Một bức ảnh mới về tinh vân hành tinh Abell 30, cách Trái Đất 5000 năm ánh sáng, được tổng hợp từ hình ảnh ở bước sống nhìn thấy của kính thiên văn không gian Hubble của NASA/ESA và dữ liệu tia X từ kính XMM-Newton của ESA và kính Chandra của NASA. Tinh vân hành tinh là tên gọi những đám khí và bụi tạo thành do sự phá vỡ lớp vỏ của các ngôi sao chết. Khi các nhà thiên văn ở thế kỉ 18 quan sát chúng, họ thấy chúng giống như các hành tinh nhiều màu sắc nên đặt tên như vậy và cái teenm đó sử dụng cho tới bây giờ, thực tế các tinh vân hành tinh không có bất cứ liên hệ nào với các hành tinh về mặt vật lý.

Ngày nay các nhà thiên văn biết rằng ngôi sao với khối lượng nhỏ hơn 8 lần khối lượng Mặt Trời sẽ bước vào giai đoạn phồng to thành sao khổng lồ đỏ để kết thúc cuộc đời của mình. Lớp vỏ của chúng phồng to và bị phá vỡ, ném ra ngoài không gian.

Bức xạ tử ngoại phóng ra từ lõi sao xuyên qua lớp vỏ, rồi sau đó chúng tràn ngập phần vỏ sao bị phá vỡ, tạo thành một bức tranh nghệ thuật nhiều màu sắc có thể được quan sát bởi các kính thiên văn hiện đại ngày nay.

Ngôi sao ở trung tâm của Abell 30 đã trải qua cái chết của mình cách đây khoảng 12.500 năm khi lớp vỏ của nó bị thổi tung bởi một luồng gió sao mạnh và chậm.

Các kính thiên văn quang học nhìn thấy phần còn lại của giai đoạn này như một khối cầu vật chất khổng lồ nở rộng ra trong không gian.

Thế rồi khoảng 850 năm sau, ngôi sao bỗng nhiên trở lại với cuộc sống, đẩy ra ngoài những vật chất giàu heli và carbon trong một cơn chấn động.

Lớp ngoài của ngôi sao giãn nở rất nhanh trong giai đoạn hồi sinh này, và rồi co lại trong vòng 20 năm, việc này gây ra hiệu ứng gia tốc lớn cho gió sao thổi ra từ trung tâm của ngôi sao. Vận tốc của nó tăng lên tới 4000 km/s (hơn 14 triệu km/h). Tốc độ ghê gớm này là vật chất bị tuôn ra từ ngôi sao rất mạnh, hình thành những cấu trúc phức tạp như đuôi sao chổi như hình ảnh minh họa bên trên (hình vẽ chỉ có tính minh họa, các nhà thiên văn không chụp được ảnh cận cảnh như vậy của ngôi sao).

Cơn gió sao khủng khiếp này cho chúng ta một cái nhìn u ám về Trái Đất và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời sau vài tỷ năm nữa. Khi Mặt Trời phá nát lớp vỏ và sau đó hoạt động trở lại như Abell 30, gió sao và các bức xạ dữ dội của nó sẽ làm phát nổ và bốc hơi tất cả các hành tinh trước đó đã may mắn sống sót qua giai đoạn sao khổng lồ đỏ.

Nếu một nền văn minh xa xôi nào đó có những chiếc kính thiên văn đủ mạnh để quan sát vào thời điểm đó, họ có thể thấy những mảnh than hồng rực rỡ của các hành tinh được chiếu sáng bởi tia X khi chúng bị nhấn chìm trong gió sao.

VACA
(theo Space Daily)