goose

Việc tên những người ... không liên quan đôi khi xuất hiện trong những công bố khoa học chính thống (tức là họ không tham gia gì cả, đôi khi thậm chí có khi còn không hiểu chính nghiên cứu mà mình có đứng tên là đằng khác) ngày nay khá là phổ biến. Và đây là một câu chuyện vui, khi một gã bỗng nhiên thấy tên mình trong một bài báo khoa học nổi tiếng mà chẳng phải vì ngoại giao, vì cần thành tích hay bất cứ cái gì tương tự.

Cái gã không rõ là có thấy chút may mắn nào hay không đó là Hans Albrecht Bethe (1906-2005). Nếu thử tra cứu, bạn sẽ thấy rằng gã này chẳng cần gì việc có tên trong một nghiên cứu mình không tham gia cả, vì ông là người có đóng góp lớn cho vật lý hạt nhân, vật lý thiên văn, điện động lực học lượng tử, và một số phân nhánh khác của vật lý từ trước đó, đồng thời là người nhận giải Nobel Vật lý năm 1967.

Câu chuyện "thiếu liêm chính" này vốn xuất phát từ óc hài hước của tác giả chính của nghiên cứu đó: George Gamow (cha đẻ của thuyết Big Bang, nếu bạn chưa biết).

Vào năm 1948, cùng với việc công bố thuyết Big Bang về sự ra đời của vũ trụ, Gamow cũng cùng với cộng sự đồng thời là nghiên cứu sinh tiến sĩ của mình là Ralph Alpher (1921-2007) thực hiện một nghiên cứu lý thuyết mà trong đó họ chỉ ra rằng hầu hết heli (helium) trong vũ trụ sơ khai đã ra đời trong một giai đoạn ngay sau Big Bang, và kéo dài trong khoảng thời gian được mô tả là "ngắn hơn cả thời gian để nấu chín một con ngỗng". Nghiên cứu này đã được công bố dưới cái tên "Nguồn gốc của các Nguyên tố hóa học".

Điều khôi hài là Gamow đã tự ý cho thêm tên ông bạn của mình là Bethe vào mà không hỏi ý kiến của cả Bethe lẫn Alpher, chỉ để bài báo đó (khá nổi tiếng trong giới vật lý thiên văn thời đó) được gọi bằng tên của họ là Alpher–Bethe–Gamow. Và sự khôi hài này xuất phát từ việc Gamow thấy rằng phát âm ba cái tên này rất giống ba chữ cái đầu tiên của bảng chữ cái Hy Lạp: Alpha, Beta và Gamma. Bài báo đó, do đó còn được gọi tắt là bài báo αβγ (the αβγ paper).

Rõ ràng, vào thời điểm đó, Alpher không đồng ý, nhưng không thể làm gì khi mà Gamow đang là người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu, cũng như vì uy tín rất lớn của Gamow trong khoa học. Bethe thì thậm chí còn không biết gì về việc này cho tới khi nhìn thấy bài báo.

Hiển nhiên, bạn có thể gọi đó là sự lạm quyền hơi quá đà, còn thiếu trung thực thì ... không chắc, vì chính Gamow đã thản nhiên khoe khoang về cái trò đùa thú vị đó của mình.

Đặng Vũ Tuấn Sơn