Một nghiên cứu mới vừa cho thấy lỗ đen siêu nặng đang ẩn mình ở trung tâm của thiên hà chúng ta không hề ngủ yên như những nhận định trước đây.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Nature mới đây, gã khổng lồ này đã thức giấc cách đây 200 năm và ngấu nghiến một số thiên thể gần nó trước khi trở lại với giấc ngủ.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, đài quan sát không gian IXPE của NASA đã phát hiện ra những tia X tàn dư của giai đoạn hoạt động dữ dội này.
Lỗ đen siêu nặng Sagittarius A* (thường viết tắt là Sgr A*) có khối lượng gấp 4 triệu lần Mặt Trời và nằm cách chúng ta 27.000 năm ánh sáng, ở khu vực trung tâm của thiên hà Milky Way. (Khi nói sự kiện trên diễn ra cách đây 200 năm, có thể hiểu rằng đó là 200 năm trước so với thời điểm của của nó mà chúng ta quan sát được, còn hiện tại của nó mà chúng ta quan sát trên thực tế là khoảng 27.000 năm trước).
Năm ngoái, các nhà thiên văn đã công bố bức ảnh đầu tiên chụp lỗ đen này (thực tế là vùng đĩa bồi tụ bao quanh nó). Bức ảnh này được thực hiện bởi dự án Kính thiên văn Chân trời sự kiện (EHT). (Hình ảnh phía trên)
"Sgr A* đã luôn được thấy là đang ngủ yên", tác giả chính của nghiên cứu là Frederic Marin ở Đài quan sát thiên văn Strasbourg (Pháp) cho biết.
Hầu hết các lỗ đen siêu nặng ở trung tâm các thiên hà đều đi vào trạng thái ngủ yên sau khi đã nuốt lấy toàn bộ lượng vật chất ở gần chúng, giống như "một con gấu đi vào giấc ngủ đông sau khi đã ăn hết mọi thứ quanh nó" - Marin nói.
Tuy nhiên, các nhà thiên văn phát hiện ra rằng vào khoảng cuối thế kỷ 19, Sgr A* đã vùng dậy khỏi giấc ngủ và nuốt lấy bất cứ thứ gì có trong tầm ngắm của nó. Cuộc săn mồi điên cuồng này kéo dài khoảng vài tháng cho tới một năm, trước khi lỗ đen ngủ đông trở lại.
Sáng hơn hàng triệu lần
Theo Marin, khi hoạt động, lỗ đen sáng hơn ít nhất là hàng triệu lần so với hiện nay ("sáng" ở đây là bức xạ phát ra từ vùng bao quanh lỗ đen do vật chất được bồi tụ dữ dội vào nó).
Sự tỉnh giấc của lỗ đen khiến cho những đám mây phân tử của thiên hà lân cận khu vực đó bắt đầu nóng lên là phát ra tia X. Theo Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), thì sự gia tăng độ sáng này giống như "một con đom đóm ẩn giữa rừng cây bỗng sáng lên như Mặt Trời".
Nhờ sử dụng vệ tinh chụp ảnh phân cực tia X (IXPE) của NASA, các nhà thiên văn có thể lần theo dấu về của các nguồn tia X và thấy rằng chúng chỉ thẳng tới Sgr A*.
Lực hấp dẫn của lỗ đen mạnh tới mức không một thứ gì có thể thoát ra, kể cả ánh sáng. Tuy nhiên, khi vật chất bị hút từ phía ngoài chân trời sự kiện của lỗ đen, chúng phát ra rất nhiều nhiệt và ánh sáng trước khi biến mất vào trong bóng tối.
Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được chính xác xem thứ gì đã khiến lỗ đen này trở lại hoạt động. Có lẽ, một đám mây lớn nào đó đã tới quá gần và bị cuốn vào bởi trường hấp dẫn mạnh mẽ của nó. Các nhà nghiên cứu hi vọng rằng những quan sát trong tương lai của IXPE sẽ mang lại hiểu biết rõ ràng hơn về sự kiện đã xảy ra và qua đó có thể làm rõ hơn về nguồn gốc của các lỗ đen siêu nặng - điều mà tới nay vẫn còn là bí ẩn.
Bryan
Theo Phys.org