RCW 86

Vào năm 185, các nhà thiên văn cổ đại của Trung Quốc đã quan sát thấy một điểm sáng mới xuất hiện trên bầu trời dêm. Nó sáng như vậy liên tục trong 8 tháng, và họ gọi nó là "sao khách". Ngày nay chúng ta biết rằng sao khách đó là một supernova, và nó là supernova đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử, được các nhà khoa học gọi là SN 185.

Gần đây, các nhà nghiên cứu đã chụp được một bức ảnh mới về tàn dư của ngôi sao đã phát nổ này, hé lộ nhiều chi tiết về nguồn gốc và quá trình phát triển của nó trong gần hai thiên niên kỷ qua. Hình ảnh này được chụp bởi máy ảnh Năng lượng tối (DECam) của Bộ năng lượng Hoa Kỳ gắn trên kinh thiên văn Victor M. Blanco đường kính 4 mét đặt tại Đài thiên văn Liên Mỹ Cerro Tololo ở Chile.

 

SN 185: supernova đầu tiên được ghi nhận

Tàn dư của supernova này được đặt tên là RCW 86, nằm cách Trái Đất khoảng 8.000 năm ánh sáng, ở khu vực giữa hai chòm sao Circinus và Centaurus.

Trong suốt nhiều thập kỷ, các nhà thiên văn đã cho rằng RCW 86 là kết quả của một supernova sụp đổ lõi - loại vụ nổ xảy ra khi một sao nặng đi về cuối đời và tự sụp đổ vào trong bởi lực hấp dẫn của chính nó, dẫn tới một vụ nổ dữ dội cuối cùng. Tuy nhiên, những supernova loại đó thường tạo ra một tàn dư khá đặc và mở rộng chậm. Nếu RCW 86 là supernova sụp đổ lõi, nó sẽ cần khoảng 10.000 năm để đạt tới kích thước ngày nay. Điều đó có nghĩa là nó không thể là tàn dư của thứ mà người Trung Quốc đã thấy vào năm 185.

Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2006 được đăng trên The Astrophysical Journal cho thấy RCW 86 có tốc độ giãn nở rất cao. Điều đó khiến nó khớp với tuổi của tàn dư supernova mà các nhà quan sát Trung Quốc đã nhìn thấy gần 2.000 năm trước.

Tiếp đó, dữ liệu tia X thu được cho thấy tàn dư này có chứa nhiều sắt, điều đó chỉ ra rằng nó không phải là supernova sụp đổ lõi mà là một supernova loại Ia. Loại vụ nổ này xảy ra ở các sao lùn trắng khi chúng được bồi tụ đủ vật chất từ một ngôi sao đồng hành.

Hình ảnh chi tiết mà DECam mới chụp được giúp các nhà khoa học tìm hiểu sâu hơn về cách mà RCW 86 giãn nở. Theo các nhà khoa học, khi sao lùn trắng cuốn lấy khí từ sao đồng hành, nó tạo thành những cơn gió sao thổi tung một phần khí và bụi vào không gian xung quanh trước khi phát nổ dưới dạng supernova. Sau khi vụ nổ diễn ra, vật chất đã được ném ra này mở rộng tự do ra ngoài với vận tốc cao khiến cho nó giãn nở nhanh như vậy.

Tất nhiên, các nhà quan sát cổ đại không thể biết được gì về những điều chúng ta biết ngày nay.

Tuấn Phong
Theo Astronomy