Đoạn bài viết này được tôi viết vào năm 2005, sau này được đăng lại trên website chính thức của VACA sau khi nâng cấp vào năm 2008. Do nhiều yếu tố, tôi chưa có điều kiện chỉnh sửa thật chi tiết, mặc dù vậy tin rằng những thông tin dưới đây sẽ giúp các độc giả giải đáp được nhiều thắc mắc quanh hai hiện tượng thiên văn thú vị này.
Thời cổ đại, con người từng run sợ khi chứng kiến hai hiện tượng này vì cho đó là tai hoạ, sự xuất hiện của quỉ Satan hay là sự trừng phạt của các vị thần. Còn chúng ta bây giờ thì sao? Năm 1994 khi hiện tượng nhật thực toàn phần diễn ra và có thể quan sát tại Việt Nam là lúc tôi mới là một cậu học sinh phổ thông, còn rất nhỏ. Tôi có may mắn được người ông nội của mình, một nhà Toán học giải thích cho rất kĩ về hiện tượng này, tất nhiên là kĩ với một đứa trẻ, đủ để tôi hiểu đó đơn giản là sự che khuất, tôi nghĩ khi đó người lớn chắc ai cũng đều biết điều đó cả. Rồi sau đó tôi lại ngạc nhiên vì cách mà người ta biến hiện tượng này thành cái gì đó ghê gớm quá, đáng sợ quá. Còn nhớ ngày đó đi học, các thầy cô giáo thấy trời tối lại mà vẻ mặt như đang đón chờ thảm hoạ, còn truyền hình không ngừng hướng dẫn những cách quan sát kì cục “chả mấy an toàn hơn cho mắt” mà người ta thi nhau làm theo. Sau này khi lớn thêm , bắt đầu đọc sách thiên văn tôi mới thấy việc ngườI ta bỏ cả một số việc, rồi làm ách tắc giao thông vì ngửa mặt lên ngắm Nhật thực qua những chiếc kính tự tạo quả là nực cười và cũng không kém phần đáng buồn vì những cách phản ứng của mọi người với những hiện tượng này. Nó cũng giống như hiện tượng mưa sao băng mà chỉ vì đôi khi truyền hình đưa tin chúng ta cứ nghĩ là ghê gớm, rồi khi có nhiều ngườI hỏi tôi, tôi không dám chắc họ cảm thấy gì khi tôi nói “mỗi năm chúng ta có thể quan sát rất nhiều mưa sao băng, và việc đó là hết sức dễ dàng, thậm chí không cần một sự chuẩn bị nào cả”. Bây giờ tôi xin quay lại với vấn đề Nhật thực và Nguyệt thực đang nói tới.
Nhật thực và nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng cùng nằm trên một đường thẳng và che khuất lẫn nhau.
Thời xưa, khi chưa có nhiều nhận thức về vũ trụ, con người không hiểu về 2 hiện tượng này và thường đưa ra các cách giải thích khác nhau. Người phương Đông thường biết tới một câu chuyện thần thoại phương đông kể rằng 2 nữ thần Mặt Trời và Mặt Trăng là do Ngọc Hoàng sinh ra có nhiệm vụ thay nhau đi giám sát dân cư từng vùng.Chồng của 2 nữ thần này là một con Gấu. Khi gấu đi với một trong hai người vợ thì khi đó dưới hạ giới người ta thấy Mặt Trời hoặc Mặt Trăng bại che khuất và người ta phải đuổi gấu đi bằng cách gõ mạnh vào chiêng, trống hay cối giã gạo.v.v.... Cũng có chuyyện cho rằng đó là khi Mặt Trăng hoặc Mặt Trời đã bị gấu ăn mất.
Đến nay chúng ta có thể giải thích hiện tượng này như sau:
Nhật thực và nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng và che khuất lẫn nhau. Do mặt phẳng tạo bởi quĩ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời và mặt phẳng tạo bởi quĩ đạo của Mặt Trăng quanh Trái Đất lệch nhau khoảng 5 độ, nên chúng cắt nhau theo một giao tuyến. Nhật thực hoặc nguyệt thực xảy ra khi ba thiên thể cùng nằm trên giao tuyến đó.
Dưới ánh sáng Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng tạo ra phía sau mình một nón bóng tối khổng lồ. Mỗi chu kỳ của mình, Mặt Trăng đều đi qua giao tuyến của hai quỹ đạo hai lần – có nghĩa là có hai giao điểm giữa hai quĩ đạo mà mỗi tháng Mặt Trăng sẽ đi qua.
Nhật thực
Nếu thời điểm Mặt Trăng đi qua giao điểm nằm giữa Trái Đất và Mặt Trời trùng với thời điểm Mặt Trời đang nằm trên giao tuyến nêu trên, nón bóng tối của Mặt Trăng quét qua Trái Đất, tạo thành một bóng đen. Những khu vực bị bóng đen bao phủ khi đó sẽ diễn ra nhật thực. Thêm vào đó, vì Mặt Trăng có đường kính nhỏ hơn khoảng 400 lần so với Mặt Trời và khoảng cách từ nó đến Trái Đất cũng nhỏ hơn khoảng 400 lần so với khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời, nên Mặt Trăng có thể che vừa khít đĩa sáng Mặt Trời. Sự tình cờ này của tự nhiên đã mang tới may mắn cho loài người khi có những cơ hội chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần. Tuy vậy, nhật thực toàn phần thường diễn ra trong một phạm vi nhỏ, vì bóng của Mặt Trăng in xuống Trái Đất chỉ tạo thành một vết rất nhỏ và lướt đi rất nhanh. Những khu vực lân cận còn lại có thể quan sát nhật thực một phần. Hai lần Nhật thực toàn phần liên tiếp xảy ra tại cùng một vị trí thường cách nhau khá lâu.
Nhờ nhật thực, một phần lớn ánh sáng của Mặt Trời chiếu trực tiếp tới vị trí của người quan sát trên Trái Đất bị che khuất. Đó là cơ hội để các nhà khoa học quan sát được ánh sáng từ các sao hoặc thiên hà ở xa phía sau Mặt Trời, nhờ đó mà từ năm 1919, lần đầu tiên một dự đoán của thuyết tương đối rộng của Albert Einstein đã được kiểm chứng: Ánh sáng từ các thiên thể ở xa bị bẻ cong khi đi qua gần rìa của Mặt Trời do trường hấp dẫn của Mặt Trời gây ra.
Có thể nói nhật thực là một hiện tượng hiếm có, chính vì vậy nó càng hấp dẫn và thu hút sự hiếu kỳ của mọi người. Tuy nhiên, để quan sát hiện tượng này, chúng ta phải chuẩn bị những dụng cụ bảo vệ mắt hoặc quan sát một cách gián tiếp, bởi ánh sáng trực tiếp từ Mặt Trời có thể gây tổn thương võng mạc. Độc giả nên đọc bài viết sau để bảo đảm an toàn cho mình: Cách an toàn để quan sát nhật thực.
Nguyệt thực
Trái lại với nhật thực, nguyệt thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giao điểm phía đối diện với Mặt Trời trùng vào ngày Mặt Trời đang nằm trên giao tuyến của hai quỹ đạo. Do nón bóng tối của Trái Đất lớn hơn rất nhiều so với Mặt Trăng, nên nguyệt thực thường diễn ra trong một thời gian dài và vùng quan sát được nguyệt thực toàn phần thường trải trên một diện tích khá lớn trên mặt đất. Một khu vực khá lớn khác cũng có thể quan sát nguyệt thực một phần hoặc nguyệt thực nửa tối (Mặt Trăng chỉ đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất). Mỗi năm, hiện tượng này có thể xảy ra từ hai đến bốn lần, tương đối phổ biến. Trong khi nhật thực là sự che khuất trực tiếp do Mặt Trăng chen vào giữa Trái Đất và Mặt Trời thì ở nguyệt thực Mặt Trăng không bị che khuất trực tiếp khi quan sát từ Trái Đất, nó chỉ nhận được ít ánh sáng hơn so với thông thường, do đó nó không tối đen lại như Mặt Trời lúc nhật thực mà chỉ tối đi và chuyển thành đỏ đậm (với nguyệt thực toàn phần, một phần) hoặc đỏ nhạt (với nguyệt thực nửa tối).
Nguyệt thực hoàn toàn an toàn với mắt và có thể quan sát trực tiếp bằng mắt thường hoặc qua các dụng cụ phóng đại như kính thiên văn, ống nhòm.
Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này