solar eclipse

Đã có khá nhiều câu hỏi gửi đến cho hộp thư liên hệ của VACA về việc làm thế nào quan sát nhật thực, và quan sát hiện tượng đó liệu có an toàn hay không. Trong phạm vi của bài viết này, xin trình bày một số ý về việc quan sát nhật thục và các dụng cụ sử dụng để phục vụ nó.

Nhật thực là gì?

Nhật thực là hiện tượng Mặt Trăng đi qua giao điểm trong giữa quĩ đạo của nó quanh Trái Đất và quĩ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời. Khi đó nó nằm xen vào giữa Trái Đất và Mặt Trời, khi đó tại một số khu vực trên Trái Đất sẽ thấy Mặt Trăng che mất toàn bộ (nhật thực toàn phần) hoặc một phần của Mặt Trời (nhật thực một phần)

 

 

Độc giả cũng có thể đọc chi tiết hơn về hiện tượng này tại một bài viết khác của tôi bằng cách click vào link sau: Nhật thực và nguyệt thực

Làm sao để quan sát nhật thực một cách an toàn?

Bất cứ hình thức nào nhìn trực diện liên tục vào Mặt Trời đều gây hại cho mắt bất kể đó là lúc có nhật thực hay lúc bình thường, dù bằng mắt hay qua các kính mắt, phim máy ảnh, phim x-quang, các loại nhựa trong suốt phủ sơn đen ...

Trên thực tế, chúng ta đều biết rằng chúng ta hàng ngày vẫn thường xuyên nhìn thẳng vào Mặt Trời bằng mắt thường hoặc qua các lớp kính mắt (cận thị, viễn thị, kính râm ...) và không có ai gặp vấn đề với mắt khi nhìn theo cách này. Đó là vì thường ngày người ta chỉ nhìn vào Mặt Trời trong khoảng thời gian rất ngắn phần vì chói mắt và phần vì ... chẳng có gì đáng nhìn cả. Việc nhìn trực diện mặt Trời theo cách này trong khoảng 10 tới 15 giây hay thậm chí có thể tới hơn 30 giây thực tế không gây hại gì cho mắt cả. Thậm chí thời xa xưa nhiều bộ tộc thổ dân sống trên núi hay trên sa mạc còn coi việc hàng ngày nhìn Mặt Trời là để rèn luyện ánh mắt.

Vấn đề là, khi có nhật thực, người ta dễ làm hại đôi mắt của mình bởi tính hiếu kì, thường sẽ nhìn khá lâu vào Mặt Trời khi có nhật thực và lượng bức xạ từ Mặt Trời tác động vào mắt khi đó là rất lớn và có thể gây tổn hại không nhỏ tới đôi mắt của chúng ta. Do vậy trong hiện tượng nhật thực, để bảo đảm an toàn, lưu ý rằng TUYỆT ĐỐI KHÔNG NHÌN TRỰC TIẾP VÀO MẶT TRỜI BẰNG MẮT THƯỜNG HOẶC CÁC DỤNG CỤ KHÔNG BẢO ĐẢM, TRỪ KHI BẠN CHẮC CHẮN CÓ THỂ TỰ KIỂM SOÁT ĐƯỢC THỜI GIAN QUAN SÁT CỦA MÌNH.

Tất nhiên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng việc nhìn vào Mặt Trời dù trong khoảng thời gian ít giây vẫn có thể gây những tổn hại nhất định về lâu dài. Nhưng đó là nếu bạn nhìn nhiều lần và trong nhiều ngày liên tiếp, còn chỉ nhìn ít giây khi có nhật thực thì không có gì nghiêm trọng cả. Dù sao, nếu bạn muốn bảo đảm an toàn tuyệt đối cho mình, bạn nên đọc qua các hướng dẫn dưới đây.

Kính thiên văn, ống nhòm ...
Nếu như việc nhìn trực tiếp bằng mắt vào Mặt Trời hoặc qua các kính mắt, phim và các vật liệu trong suốt là điều không nên làm thì các dụng cụ như kính thiên văn, ống nhòm, ống kính máy ảnh, camera là TUYỆT ĐỐI CẤM KỊ, vì qua các thiết bị này cường độ bức xạ của Mặt Trời sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí có thể gây mù trong thời gian rất ngắn.

Chỉ các kính thiên văn có một dụng cụ đi kèm riêng gọi là Sun-filter (lọc ánh sáng Mặt Trời) mới có thể được sử dụng để quan sát Mặt Trời. Lưu ý rằng Sun-filter phải là dụng cụ được chế tạo riêng thích hợp cho mỗi kính, tuyệt đối không tự chế các filter này vì chất lượng sẽ không thể bảo đảm. Sun-filter cần được đặt phía trước vật kính của các kính thiên văn chứ không phải đặt phía sau thị kính như moon-filter (lọc ánh sáng Mặt Trăng). Hiện nay bạn cũng có thể gặp một số nơi sử dụng loại sun filter đặt sau thị kính, tốt nhất nên tránh xa loại filter này vì chúng rất không an toàn, ánh sáng Mặt Trời khi hội tụ qua các kính có độ phóng đại cao hoàn toàn có thể đốt cháy filter.

Có nhiều người thắc mắc có thể đặt các filter tự chế như phim máy ảnh, máy x-quang hay nhựa trong phủ sơn đen vào kính thiên văn để phục vụ mục đích chụp ảnh hay không.

Nếu chỉ phục vụ mục đích chụp ảnh, quay phim, không trực tiếp đưa mắt vào mà chỉ gắn ống kính camera vào thị kính của kính thiên văn thì điều này là có thể chấp nhận được với điều kiện tấm phim hay nhựa sử dụng phải đủ dày và càng tối càng tốt, ngoài ra độ phóng đại của kính thiên văn là vừa phải (tốt nhất nên dưới 150x) để bảo đảm an toàn cho camera. Bản thân tôi cũng đã từng thử cách này và cũng thấy khá an toàn. Lưu ý không dùng mắt ngắm trực tiếp vào trong camera vì tác động gián tiếp vẫn có thể gây hại cho mắt.

Các dụng cụ quan sát an toàn

Về cơ bản có hai cách quan sát nhật thực an toàn là quan sát trực tiếp và gián tiếp.

Cách quan sát gián tiếp có thể coi là cách duy nhất đạt độ an toàn tuyệt đối không thể có bất cứ rủi ro nào xảy ra vì đơn giản là bạn không cần trực tiếp nhìn vào Mặt Trời. Tất nhiên, cũng cần lưu ý rằng cách này thì không thú vị cho lắm!

Cách này cần chế tạo một dụng cụ đơn giản như sau: Tìm một chiếc hộp bằng bìa có chiều dài khoảng 50-70cm. Cắt bỏ nắp hộp để lộ ra một cửa có thể nhìn vào bên trong, thậm chí thò đầu vào. tại mặt trong của một trong hai đáy dán một miếng giấy trắng lên đó. Tại đáy kia hãy cắt một lỗ với đường kính khoảng 3 đến 5cm. Lấy một lá nhôm mỏng đục thủng một lỗ nhỏ ở giữa và dán lá nhôm đó đè lên lỗ thủng bạn vừa cắt. Hướng cho lỗ thủng trên chiếc hộp này về phía Mặt Trời sao cho cạnh của nó hướng tương đối chính xác theo hướng bạn nhìn thấy Mặt Trời, khi đó nhìn vào trong hộp bạn sẽ thấy hình ảnh của Mặt Trời in lên trên tờ giấy trắng ở đáy kia chiếc hộp. Khi có nhật thực bạn cũng sẽ thấy hình ảnh của nó trên chiếc "màn chiếu" đó.

Để dễ hình dung xin nhìn hình bên dưới. Lưu ý rằng lỗ trên lá nhôm càng lớn thì hình ảnh sẽ càng lớn nhưng sẽ nhòe hơn, do vậy hãy đục một lỗ nhỏ thôi rồi có thể khoét rộng thêm sau nếu như bạn muốn.





Như đã nói, cách như trên nhìn chung là tuyệt đối an toàn nhưng tất nhiên không phải ai cũng thích thú với nó vì có lẽ nhìn trực tiếp vẫn cứ hấp dẫn hơn.

Để nhìn trực tiếp vào Mặt Trời nói chung và nhật thực nói riêng mà không hại tới mắt ngay cả khi quan sát liên tục nhiều phút thì bạn cần có một chiếc kính được thiết kế riêng gọi là Solar Glasses (khác với Sunglasses có nghĩa là kính râm). Loại kính này có hai mắt kính được chế tạo dành riêng cho việc lọc các bức xạ nguy hiểm từ Mặt Trời.

Loại kính có hai mắt kính dạng này và khung-gọng làm bằng bìa cứng là dụng cụ rất phổ biến trên thế giới, thường được bán với giá rất rẻ, chỉ 0,5 đến 0,85 USD. Hiện nay ở Việt Nam cũng có một vài cửa hàng hay tổ chức bán loại sản phẩm này, chỉ cần lên Google gõ "kính xem nhật thực" hay "kính quan sát nhật thực" là bạn cũng có thể tìm được một số địa chỉ có bán. Mặc dù vậy, ... hãy lưu ý các điểm sau

1- Mua của các nguồn bảo đảm, sản phẩm có hướng dẫn sử dụng đàng hoàng, hoặc ít ra của các công ty và các tổ chức khoa học đáng tin cậy.
2- Hiện nay trên internet có một số hướng dẫn bằng tiếng Việt về cách tự tạo loại kính này và một số nơi bán kính cho bạn cũng làm theo cách đó. Lưu ý rằng nếu kính không được chế tạo bằng đúng loại polymer đen được chứng nhận, có thể lọc 99,9% ánh sáng cường độ cao thì đều là không bảo đảm. Tất nhiên như tôi đã nói trên, ngay cả khi bạn nhìn bằng mắt thường tới 30 giây vào Mặt Trời, mắt bạn vẫn tương đối an toàn, thời gian đó còn cho phép lâu hơn nếu nhìn qua các kính hay nhựa mờ, nhưng tôi đang nói tới ở đây là "không bảo đảm", vì vậy tuyệt đối cẩn thận để không phí tiền của bạn mua những chiếc kính chế tạo từ phim X-quang hay nhựa trong suốt. Hiện nay ở Việt Nam không thể tự chế tạo loại polymer như nêu trên, do vậy nếu định mua, bạn nhớ hỏi kĩ nguồn gốc của chiếc kính.
3- Nếu đúng bạn đã tìm được loại kính đạt tiêu chuẩn, hãy thật cẩn thận kiểm tra xem kính có nguyên vẹn không. Có những vết rách nhỏ tới mức bạn không thể nhìn thấy. hãy đeo kính và dùng đèn có ánh sáng mạnh chiếu thẳng vào mắt xem có bị lọt một tia sáng nào vào hay không.
4- Khi quan sát, cố gắng đeo kính thật sát mắt, thậm chí dùng tay giữ chặt, ngoài ra đội mũ để cản ánh sáng Mặt Trời lọt vào mắt từ phía trên, nếu không thì việc bạn đeo kính sẽ không có nhiều tác dụng.
5- Kính mà bạn có thể mua được như mô tả trên chỉ có tác dụng với mắt của bạn trong điều kiện bình thường. Không đeo kính đó để nhìn vào ống nhòm hay kính thiên văn, không sử dụng thay sun-filter cho kính thiên văn.

Sun filter cho kính thiên văn

Sun filter (hay solar filter) như đã nhắc tới ở trên là một bộ lọc bắt buộc phải có để quan sát Mặt Trời khi bạn sử dụng kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ phóng đại hình ảnh nào (ống nhòm, camera các loại). Trong hình ảnh ở trên cùng của bài viết, ngoài các solar glasses ở phía dưới, bạn thấy có hai bộ phần có tiết diện tròn ở phía trên. Vật có dạng một vòng tròn lớn là một sun filter được chế tạo chuyên dụng bằng một vật liệu có khả năng lọc hầu hết bức xạ từ Mặt Trời. Vì hầu hết bức xạ bị phản xạ khi chạm bề mặt của nó, bạn sẽ thấy nó như một tấm nilon phản quang mà bạn có thể soi gương được - nhưng tất nhiên, nó là vật liệu chuyên dụng, không phải một tấm nilon mà bạn có thể tìm được ở đâu đó trong căn nhà của mình hay ở các cửa hàng không chuyên. Loại filter này được lắp phía trước vật kính của các kính thiên văn để ngăn bớt bức xạ từ Mặt Trời trước khi nó đi qua vật kính.

Bên cạnh đó, vật có dạng tròn nhỏ là một dụng cụ được bán khá phổ biến ở nhiều website, có thể lắp vào thị kính của các kính thiên văn. Mặc dù có thể lọc ánh sáng Mặt Trời khi bạn nhìn nhìn trực tiếp nhưng trên thực tế nó không thực sự an toàn, nhất là với những kính có trường nhìn rộng có khả năng thu nhiều ánh sáng. Bức xạ từ Mặt Trời vẫn đi qua vật kính và được hội tụ ngay vùng lân cận của tấm lọc này, nếu độ mở của kính đủ lớn, mật độ bức xạ có thể gây vỡ tấm lọc và do đó sẽ gây nguy hiểm cho mắt của bạn. Do đó, xin khuyến cáo bạn không sử dụng bộ phận này, trừ khi kính của bạn có đô mở đủ nhỏ (dưới 80mm), và ngay cả như vậy, hãy thật sự thận trọng khi sử dụng.

Ngoài các cách an toàn bảo đảm nêu trên, nếu bạn còn thắc mắc về các cách quan sát truyền thống như nhìn bằng mắt thường, qua kính râm, phim máy ảnh, nhựa trong suốt ... thì lưu ý rằng nếu bạn quan sát tuyệt đối không nhìn vào Mặt Trời bằng những cách như vậy quá 15 giây, và tuyệt đối không cho trẻ em hay người có thị lực yếu quan sát theo cách này.

Đặng Vũ Tuấn Sơn

Vui lòng ghi rõ tên tác giả và nguồn trích dẫn Thienvanvietnam.org khi bạn sử dụng bài viết này.