Bernardinelli-Bernstein

Sao chổi khổng lồ Bernardinelli-Bernstein sẽ lao vào quỹ đạo của Sao Thổ vào năm 2031. Các nhà khoa học rất hào hứng về việc này.

Theo nghiên cứu mới được công bố trên máy chủ của arXiv.org (kho lưu trữ các bài báo khoa học trước khi in trên các tạp chí), một sao chổi khổng lồ - có thể là sao chổi lớn nhất từng được phát hiện - đang lao thẳng vào vùng trong của Hệ Mặt Trời và sẽ tới đích sau khoảng 10 năm tính từ hiện tại.

Sao chổi này, tên là Bernardinelli-Bernstein (hay C / 2014 UN271, gọi theo ký hiệu trong thiên văn học), dài ít nhất 62 dặm (100 km) - nặng hơn khoảng 1.000 lần so với một sao chổi điển hình. Nó lớn tới mức trước đây các nhà thiên văn đã nhầm nó với một hành tinh lùn, theo một thông báo chính thức về việc phát hiện ra sao chổi này vào tháng 6 năm 2021.

Nhưng một phân tích chi tiết hơn về vật thể này đã cho thấy rằng nó đang di chuyển nhanh chóng qua mây Oort - một khu vực khổng lồ chứa những tảng đá băng giá, cách Trái Đất hàng tỷ dặm. Thiên thể này có vẻ như đang hướng về phía chúng ta, và thậm chí nó còn có một cái đuôi phát sáng, hay còn gọi là “coma” (phần bao phủ) đằng sau nó - một dấu hiệu rõ ràng cho thấy một sao chổi có cấu tạo từ băng đang tiến vào vùng trong của Hệ Mặt Trời nới có nhiệt độ tương đối ấm.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu chi tiết hơn về sao chổi khổng lồ này và họ có những ước tính mới về hành trình của nó về phía Mặt Trời.
Trước hết, tảng đá khổng lồ này không gây ra mối đe dọa nào cho Trái Đất. Ngay lúc này, Bernardinelli-Bernstein (BB) đang bay qua mây Oort ở vị trí gấp khoảng 29 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời, hay 29 đơn vị thiên văn (AU). Lần tiếp cận gần nhất của sao chổi này với Trái Đất sẽ xảy ra vào một lúc nào đó vào năm 2031, khi mà theo các nhà khoa học dự đoán thì nó sẽ đạt tới khoảng cách 10,97 AU tính từ Mặt Trời - tức ở vị trí ngay bên ngoài quỹ đạo của Sao Thổ.

Mặc dù khoảng cách đó đủ xa để con người trên Trái Đất không thể nhìn thấy sao chổi này nếu không dùng kính thiên văn, nhưng lại gần hơn đáng kể so với chuyến viếng thăm cuối cùng của tảng đá này tới vùng trong của Hệ Mặt Trời chúng ta. Sau khi lập mô hình quỹ đạo của sao chổi, các tác giả của nghiên cứu đã tính toán rằng sao chổi BB đã thực hiện lần tiếp cận cuối cùng cách đây 3,5 triệu năm, tới vị trí cách khoảng 18 AU so với Mặt Trời.

Kể từ đó, sao chổi đã đi xa tới 40.000 AU, đi sâu vào mây Oort bí ẩn, theo các nhà nghiên cứu.

“Chúng tôi kết luận rằng BB là một sao chổi “mới” theo nghĩa là không có bằng chứng cho sự tiếp cận gần hơn 18 AU trước đó”, các nhà nghiên cứu đã viết trong nghiên cứu của họ; nói cách khác, con người chưa bao giờ để mắt tới nó trước đây.

Chúng ta có khả năng quan sát hiện nay về các sao chổi lớn, ở xa là nhờ vào Khảo sát Năng lượng Tối (DES) - một dự án nghiên cứu sự giãn nở của vũ trụ, được thực hiện từ tháng 8 năm 2013 tới tháng 1 năm 2019. Trong khảo sát này, các nhà thiên văn đã lập bản đồ 300 triệu thiên hà trên bầu trời phía Nam, khám phá hơn 800 thiên thể ngoài quỹ đạo của Sao Hải Vương chưa được biết tới trước đây. Sao chổi Bernardinelli-Bernstein là một trong những thiên thể đó.

Các nhà nghiên cứu sẽ có nhiều thời gian để nghiên cứu về sao chổi khổng lồ này khi nó bay tới gần Trái Đất hơn bao giờ hết trong thập kỷ tới. Việc xem xét kỹ hơn thiên thể này có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm một chút về thành phần hóa học của Hệ Mặt Trời vào thời kỳ sơ khai, do các sao chổi tới từ vùng sâu trong mây Oort được cho là tương đối không thay đổi kể từ khi chúng bị văng ra khỏi Mặt Trời hàng tỷ năm trước. Với hàng triệu năm tách biệt giữa lần tiếp cận gần tiếp theo của sao chổi này với lần sau đó nữa, nó sẽ là một dấu vết cực kỳ quan trọng đối với Hệ Mặt Trời sơ khai.

Hồng Anh
Theo Livescience