meteors

Hàng năm, hành tinh của chúng ta gặp phải rất nhiều bụi từ các sao chổi và tiểu hành tinh. Những hạt bụi liên hành tinh này đi qua khí quyển của chúng ta và tạo thành các sao băng. Một số trong đó chạm tới mặt đấy dưới dạng các vi thiên thạch.

Một chương trình quốc tế được thực hiện trong gần 20 năm bởi các nhà khoa học từ CNRS (Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp), Đại học Paris-Saclay và Bảo tàng lịch sử tự nhiên với sự hỗ trợ của Viện địa cực Pháp, đã xác định được rằng mỗi năm có 5.200 tấn vi thiên thạch như vậy chạm tới mặt đất. Nghiên cứu này sẽ được đăng chính thức trên tạp chí Earth & Planetary Science Letters ngày 15 tháng 4 này.

Các vi thiên thạch vẫn luôn rơi vào hành tinh của chúng ta. Chúng là những hạt bụi tới từ các sao chổi và tiểu hành tinh với kích thước chỉ vài phần chục hoặc và phần trăm milimet khi chúng chạm tới bề mặt Trái Đất sau khi đi xuyên qua khí quyển.

Để thu thập và phân tích những vi thiên thạch này, sáu cuộc thám hiểm do nhà nghiên cứu Jean Duprat của CNRS dẫn đầu đã diễn ra trong hai thập kỷ qua ở gần Trạm nghiên cứu Concordia Pháp-Ý (Dome C), cách bờ biển Adélie Land 1.100 km, giữa Nam Cực. Dome C là một điểm thu thập lý tưởng vì ít có tuyết đọng và gần như không có bụi của chính Trái Đất.

Những cuộc thám hiểm này đã thu thập đủ những hạt bụi ngoài Trái Đất với kích thước từ 30 tới 200 micromet để đo lượng bụi hàng năm rơi xuống Trái Đất.

Nếu áp dụng kết quả thu được đó cho cả hành tinh, thì tổng lượng vi thiên thạch mỗi năm là 5.200 tấn. Đây là nguồn chính của vật chất ngoài hành tinh có trên Trái Đất, lớn hơn nhiều lượng có được từ những vật thể lớn như các thiên thạch cỡ lớn (loại này chỉ lao vào Trái Đất với lượng dưới 10 tấn mỗi năm).

So sánh lưu lượng của các vi thiên thạch với các dự đoán lý thuyết xác nhận rằng hầu hết các vi thiên thạch có lẽ đến từ các sao chổi (80%) và phần còn lại từ các tiểu hành tinh.

Đây là thông tin quý giá để hiểu hơn về vai trò của những hạt bụi liên hành tinh này trong việc cung cấp nước và các phân tử chứa carbon trong giai đoạn đầu của Trái Đất.

R.T
Theo Science Daily