Có lẽ bạn đã xem rất nhiều phim mà trong đó có cảnh một tảng thiên thạch lao vào Trái Đất và các nhân vật tìm tới tận nơi, để rồi nó cho ai đó sức mạnh hay một con quái vật vớ vẩn nào đó sẽ chui ra. Gần như tất cả những bộ phim đó đều cho thấy cảnh một tảng đá nóng rực khi các nhân vật tìm tới. Điều đó củng cố thêm cho suy nghĩ của đa số mọi người rằng khi chạm tới mặt đất thì thiên thạch rất nóng và tốt nhất không nên chạm vào nó.
Tất nhiên, nếu bạn hỏi tôi, tôi cũng sẽ khuyến cáo rằng đừng dùng tay không chạm vào một thứ bạn không biết chắc nó là cái gì. Nhưng ở trong trường hợp này thì không phải vì nó nóng.
Thực tế, đa số các thiên thạch rất lạnh cho dù bạn đủ may mắn để tìm tới nơi nhanh tới mức nó mới chỉ chạm đất vài phút!
Hiểu nhầm phổ biến của việc này xuất phát từ thực tế là mọi người đều biết các thiên thạch bốc cháy khi đi vào khí quyển Trái Đất, và vì thế chúng ta nhìn thấy sao băng. Vấn đề là: sự cháy này không phải do ma sát với không khí, cũng không phải toàn bộ thiên thạch đều bốc cháy. Các thiên thạch đều lao vào Trái Đất với vận tốc rất cao. Khi đi vào khí quyển, chúng tạo ra một áp lực ép vào lớp không khí ngay phía trước đường chuyển động. Áp suất nén khiến lớp không khí này nóng tới mức cháy sáng, và đó là cái mà bạn nhìn thấy.
Tất nhiên, quá trình nóng lên của lớp khí bao quanh này sẽ làm cháy và tách bớt từng phần của thiên thạch trong quá trình bay đó. Những thiên thạch rất nhỏ sẽ bị phá hủy hoàn toàn mà không có cơ hội nào để chạm tới mặt đất. Những thiên thạch lớn hơn có thể chỉ mất một phần, tuy nhiên động năng của chúng không đủ để lao đi liên tục như vậy mà sẽ rơi vào trạng thái rơi tự do ở độ cao hàng chục kilomet. Quá trình rơi tự do này không gây ra sự cháy nữa mà ngược lại toàn bộ nhiệt lượng bề mặt do khí nóng trước đó sẽ được thổi đi bởi chính khí quyển của Trái Đất (như khi bạn đi ngược chiều gió vậy). Những thiên thạch như vậy khi chạm tới mặt đất thường rất lạnh, nhiều trường hợp còn phủ băng, bởi nhiệt độ trong lõi của nó vốn là nhiệt độ của không gian ngoài Trái Đất, thường xuống dưới -100 độ C. Quá trình làm nóng ban đầu mà bạn thấy dưới dạng sao băng chỉ diễn ra trong ít giây, không đủ để làm nóng toàn bộ thiên thạch.
Với những thiên thạch rất lớn, loại mà khi lao xuống có thể để lại những hố va chạm, động năng của chúng đủ để chúng cháy liên tục tới tận khi chạm đất, một vụ nổ có thể xảy ra khi loại thiên thạch này tới rất gần mặt đất hoặc chạm hẳn xuống. Hiển nhiên, vụ nổ do va chạm thì có sinh nhiệt, nhưng tảng đá sẽ nguội đi rất nhanh và khi bạn tìm tới, chắc chắn nó cũng rất lạnh. Lý do là thiên thạch càng lớn thì nhiệt do khí quyển bị đốt nóng càng khó làm lõi của nó ấm lên - đừng quên rằng quá trình làm nóng đó phụ thuộc vào diện tích bề mặt (vốn tỷ lệ với bình phương của đường kính/chiều dài) trong khi phần lõi bên trong "cần" làm nóng lại phụ thuộc vào thể tích (vốn tỷ lệ với lập phương của đường kính/chiều dài), có nghĩa là thiên thạch càng lớn thì quá trình làm nóng tới lõi càng cần nhiều thời gian hơn (hãy liên tưởng tới việc bạn muốn làm chín sâu vào một tảng thịt không được cắt nhỏ sẽ mất thời gian ra sao so với việc thái mỏng nó ra trước đó). Vì vậy, ngay cả những thiên thạch lớn tới mức va chạm và để lại hệ quả trên mặt đất cũng trở nên hoàn toàn nguội ngắt hay thậm chí khá lạnh chỉ sau một khoảng thời gian rất ngắn từ khi chạm đất.
Đạo diễn của những bộ phim viễn tưởng có thể không biết tới điều này, hoặc đơn giản là họ nghĩ cái gì nóng thì có vẻ đáng sợ hơn!
(Bài đã đăng trên Facebook page của tác giả).