exoplanet

Nhờ một nghiên cứu mới sử dụng dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Kepler, các nhà khoa học ước tính rằng có thể có tới 300 triệu hành tinh có tiềm năng sống được trong thiên hà Milky Way của chúng ta. Một số chúng thậm chí có thể ở khá gần Mặt Trời, trong đó, một vài hành tinh có khả năng nằm trong khoảng cách 30 năm ánh sáng tính từ Mặt Trời.

Đồng tác giả Jeff Coughlin, nhà nghiên cứu ngoại hành tinh tại Viện SETI và Giám đốc Văn phòng Khoa học của Kepler, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tất cả các dữ liệu được ghép lại với nhau để mang lại một phép đo đáng tin cậy về số lượng các hành tinh có tiềm năng sinh sống được trong thiên hà. Đây là một chỉ cố mấu chốt của phương trình Drake, được sử dụng để ước tính số lượng các nền văn minh có khả năng liên lạc — chúng ta đang tiến gần hơn một bước trên con đường dài tìm hiểu xem liệu chúng ta có đơn độc trong vũ trụ hay không.”

Phương trình Drake là một lập luận khả dĩ về các yếu tố cần xem xét khi ước tính con số tiềm năng của các nền văn minh với công nghệ tiên tiến có thể được phát hiện trong thiên hà của chúng ta. Phương trình Drake đồng thời cũng thường được sử dụng như một lộ trình trong sinh học thiên văn và tham gia định hướng phần lớn nghiên cứu tại viện SETI.

Để phát triển và đưa ra một ước tính hợp lý, các nhà nghiên cứu đã xem xét các ngoại hành tinh có kích thước tương đương với Trái Đất và do đó, chúng có khả năng cao là các hành tinh đá. Họ cũng xem xét những ngôi sao dạng Mặt Trời, với gần đúng tuổi và nhiệt độ so với Mặt Trời của chúng ta. Một tiêu chí khác về khả năng tồn tại sự sống là liệu những hành tinh này có thể có những điều kiện cần thiết để duy trì nước lỏng hay không.

Những ước tính trước đó về việc xác định số lượng các ngoại hành tinh tiềm năng có thể sống được trong thiên hà của chúng ta chủ yếu dựa vào khoảng cách giữa những hành tinh đó với sao mẹ của chúng. Nghiên cứu mới này cũng xem xét lượng ánh sáng các hành tinh nhận được từ sao mẹ, điều này sẽ ảnh hưởng đến thực tế rằng các hành tinh có thể duy trì nước lỏng hay không.

Bằng cách sử dụng cả hai nguồn dữ liệu từ các kính viễn vọng Kepler và Gaia, các kết quả phản ánh tốt hơn sự đa dạng của các sao, các hệ mặt trời và các ngoại hành tinh trong thiên hà.

“Biết được các loại hành tinh khác nhau phổ biến như thế nào là vô cùng quý giá cho việc thiết kế các sứ mệnh tìm kiếm ngoại hành tinh sắp tới.”, đồng tác giả Michelle Kunimoto, người đã tham gia nghiên cứu này sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ về tỷ lệ xuất hiện của các ngoại hành tinh tại Đại học British Columbia, và gần đây đã tham gia nhóm dự án Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh (TESS) tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Cambridge, Massachusetts, cho biết: "Các cuộc khảo sát nhằm vào các hành tinh tiềm năng nhỏ, có khả năng sống được xung quanh các ngôi sao giống Mặt Trời sẽ phụ thuộc vào các kết quả như thế này để tối đa hóa cơ hội thành công của chúng."

Sẽ cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu được vai trò của bầu khí quyển của một hành tinh đối với khả năng duy trì nước lỏng của nó. Trong phân tích này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một ước tính thận trọng về hiệu ứng của khí quyển để ước tính sự xuất hiện của các ngôi sao giống Mặt Trời với các hành tinh đá có thể có nước lỏng.

Sứ mệnh Kepler, chính thức ngừng thu thập dữ liệu vào năm 2018, nó đã xác định được hơn 2.800 ngoại hành tinh đã được xác nhận, với hàng nghìn ứng cử viên khác đang chờ được xác nhận. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được vài trăm hành tinh trong vùng sống được của sao mẹ của chúng nhờ dữ liệu từ Kepler. Có lẽ sẽ mất nhiều thời gian để tìm ra tất cả 300 triệu hành tinh này!

Chung Nguyen
Theo Phys.org