Interstellar comet

Sao chổi 2I/Borisov có nhiều điểm tương đồng với sao chổi bên trong Hệ Mặt Trời của chúng ta. Vậy nên các nhà thiên văn học nghĩ rằng điều đó có thể có nghĩa là sao chổi xa xôi này sẽ tan rã khi tiếp cận gần nhất với Mặt Trời thời gian này.

Vào tháng 9, các nhà thiên văn học đã công bố phát hiện sao chổi liên sao đầu tiên được biết là đã ghé thăm Hệ Mặt Trời của chúng ta. Được đặt tên là 2I/Borisov sau khi một người Ukraine phát hiện ra nó, sao chổi này có quỹ đạo cực kỳ mở rộng - một dấu hiệu nhận biết rằng nguồn gốc của nó là từ bên ngoài Hệ Mặt Trời, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của Mặt Trời. Trong vài tháng kể từ sau phát hiện đó, các nhà thiên văn học đã đo lường mọi chuyển động của sao chổi này khi nó tiến về phía điểm cận nhật - điểm gần Mặt Trời nhất trong quỹ đạo của nó - vào tháng 12 này. Bằng cách nghiên cứu chuyển động, độ sáng và thành phần hóa học của Borisov, các nhà khoa học đã nhận thấy nó không hề khác biệt so với sao chổi bên trong Hệ Mặt Trời. Và điều đó cũng có nghĩa là nó có thể sẽ tạo ra một khung cảnh ấn tượng khi tiến gần Mặt Trời.

Đây là một bản tóm tắt về những gì các nhà thiên văn học đã phát hiện ra cho đến nay, và những điều cần chú ý trong những tuần tới.

 

Một sao chổi xa lạ ẩn mình

Tảng đá liên sao này lần đầu tiên được phát hiện ở khoảng cách 3 đơn vị thiên văn (hay AU - với 1 AU là khoảng cách trung bình giữa Mặt Trời và Trái Đất). Mặc dù tương đối sáng, nhưng Borisov không được phát hiện sớm hơn vì nó nằm gần Mặt Trời ở góc nhìn của chúng ta. Nhưng gần đây, một nhóm các nhà thiên văn học đã xem lại dữ liệu cũ và tìm thấy sao chổi này trong các hình ảnh từ tháng 12 năm ngoái, nơi nó đã bị bỏ qua. Hồi đó, nó ở xa gần gấp ba lần so với bây giờ. Quan Chi Ye, nhà thiên văn học tại Đại học Maryland, người đứng đầu nghiên cứu mới cho biết: “Bằng cách đuổi theo sao chổi này càng xa càng tốt, chúng tôi có thể hiểu rõ hơn về quỹ đạo hướng vào của nó. Điều đó sẽ giúp chúng tôi xác định được hệ nơi nó xuất phát”.

Quan sát Borisov khi nó đến gần Mặt Trời cũng giúp các nhà thiên văn học biết được thành phần hóa học của nó. Khi sao chổi bị làm nóng, nó giải phóng khí và có thể tăng độ sáng. Các khí khác nhau được giải phóng ở các nhiệt độ khác nhau, do đó, bằng cách theo dõi sự thay đổi độ sáng ở các khoảng cách khác nhau với Mặt Trời, các nhà thiên văn học có thể có được hình dung sơ bộ về những gì đã tạo ra vị du khách liên sao này. Bằng cách nhìn vào các bước sóng ánh sáng riêng lẻ từ sao chổi - quang phổ của nó - các nhà khoa học có thể tìm ra chính xác hơn tên và số lượng hợp chất mà nó đang giải phóng.

Gần đây, các nhà khoa học đã báo cáo bằng chứng về hơi nước, thêm vào danh sách các thành phần của sao chổi bao gồm xyanua, hydroxit, carbon diatomic và oxy nguyên tử. Những dấu hiệu hóa học này rất hữu ích khi so sánh Borisov với sao chổi đến từ bên trong Hệ Mặt Trời. Ông Adam McKay, nhà thiên văn học tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA, đồng thời là tác giả của báo cáo về việc phát hiện nước trên sao chổi Borisov nói: “Chúng tôi thích nghĩ về sao chổi như là thức ăn thừa nguyên thủy của sự hình thành hành tinh. Khi chúng tôi nghiên cứu các sao chổi của riêng mình, chúng tôi đang cố gắng tìm hiểu các yếu tố vật lý và hóa học xuất hiện sớm trong quá trình hình thành Hệ Mặt Trời”. Ông cho biết thêm, với hy vọng đến từ các sao chổi liên sao, chúng ta có thể biết được liệu đó có phải là những quá trình tương tự đã xảy ra sớm trong quá trình hình thành các hệ hành tinh khác hay không.

 

Sao chổi nhỏ màu đỏ

Cho đến nay, Borisov đang bay qua Hệ Mặt Trời của chúng ta với tốc độ 110.000 dặm/giờ (khoảng 177.028 km/giờ), trông rất giống các sao chổi chu kỳ dài khác - những sao chổi mà phải mất ít nhất 200 năm để chuyển động hết một vòng quỹ đạo quanh Mặt Trời. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy sao chổi này có màu đỏ rất giống với các sao chổi khác đã được biết đến. Kích thước của nó vẫn chưa được xác định, nhưng các nhà khoa học cho rằng hạt nhân hay lõi rắn của sao chổi có kích thước nhỏ hơn 4 dặm (~ 6,437 km). Những đặc điểm này cho thấy rằng Borisov có thể kết thúc hành trình quanh Mặt Trời của mình bằng một kết cục dữ dội, vì các sao chổi chu kỳ dài đôi khi tan rã khi chúng đến gần Mặt Trời bởi sức nóng mãnh liệt. Một số phận như vậy có thể xảy ra với vị khách liên sao của chúng ta, nhưng cũng có thể nó sẽ bay qua mà không hề hấn gì.

Có một câu nói thế này về sao chổi: “Sao chổi giống như những con mèo, chúng làm bất cứ điều gì chúng muốn”.

Một số sao chổi nổ tung cách Mặt Trời hàng chục AU trong khi một số hành xử hoàn toàn bình thường. Vì vậy, nó vượt quá dự đoán của bất cứ ai. Chúng tôi sẽ quan sát nó mỗi ngày, và nếu nó tan rã, nếu nó làm điều gì đó điên rồ, chúng tôi sẽ biết ngay.

Sao chổi Borisov đã tiếp cận Mặt Trời gần nhất vào ngày 8 tháng 12 và sẽ ở gần Trái Đất nhất vào ngày 28 tháng 12. Nếu nó sống sót qua cái nóng, du khách từ ngoài hệ của chúng ta được dự kiến sẽ nhanh chóng mờ nhạt khi rời xa Mặt Trời và dần dần biến mất trong vòng vài tháng.

Minh Phương
Theo Astronomy