Interstellar comet

Các tiểu hành tinh, sao chổi và các vật thể đá khác nằm rải rác trong Hệ Mặt Trời là những gì sót lại từ thời kỳ các hành tinh hình thành. Vì vậy, các nhà khoa học nghiên cứu những vật thể này để tìm hiểu về giai đoạn ban đẩu của Hệ Mặt Trời. Ngày nay, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên khám phá các hệ ngoại hành tinh cũng theo cách tương tự, nhờ vào các sao chổi và các tiểu hành tinh liên sao.

Trong vài tuần qua, các nhà thiên văn học đã xác nhận vật thể đá thứ hai đến từ một ngôi sao khác lướt qua Hệ Mặt Trời. Vật thể liên sao đầu tiên từng được phát hiện là một quả cầu kỳ lạ có tên Oumuamua, quỹ đạo của nó đã khiến một số nhà thiên văn học tự hỏi liệu đó là một tiểu hành tinh hay sao chổi. Nhưng đối tượng thứ hai này thì được nhận định ngay là một sao chổi. Kích thước và màu sắc của nó rất giống với sao chổi trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, các nhà nghiên cứu đã báo cáo trong Nature Astronomy.

 

Một sao chổi quen thuộc tới từ phía ngoài

Vào cuối tháng 8, một kỹ sư tên là Gennady Borisov đã phát hiện ra một sao chổi và thấy rằng nó không được liệt kê trong danh mục các tiểu hành tinh và sao chổi đã biết. Trong những ngày sau đó, các nhà nghiên cứu đã hướng kính thiên văn của họ về phía vật thể để chụp ảnh và tìm hiểu thêm.

Ngày 8 tháng 9, một chương trình máy tính đã thông báo đến một nhóm các nhà thiên văn học do Piotr Guzik và Michał Drahus của Đại học Jagiellonia ở Ba Lan đứng đầu rằng, sao chổi này có thể đến từ không gian liên sao. Đây là một chương trình khai thác cơ sở dữ liệu về các quan sát tiểu hành tinh và sao chổi để tính toán quỹ đạo của các vật thể, nếu nó tìm thấy một vật thể có quỹ đạo không bị ràng buộc với Mặt Trời, nó sẽ đánh dấu vật thể đó. Vui mừng với phát hiện mới, chỉ vài ngày sau, các nhà nghiên cứu đã quan sát sao chổi này những kính thiên văn lớn ở Hawaii và Quần đảo Canary. Các quan sát chi tiết hơn cho thấy sao chổi này (hiện được gọi là 2I/Borisov) có màu sắc tương tự như sao chổi trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, nghiêng về dải đỏ. Điều này có nghĩa là sao chổi này đang phản chiếu màu sắc ánh sáng tương tự như sao chổi của Hệ Mặt Trời. Và điều đó gợi ý rằng chúng có khả năng được cấu tạo bởi thành phần tương tự. Nhóm nghiên cứu cũng có thể ước tính rằng phần đá trung tâm của sao chổi, hay cái nhân của nó, rộng khoảng hơn một dặm (~1,6 km) – một kích thước phổ biến đối với sao chổi của Hệ Mặt Trời. Tất cả điều này làm cho sao chổi Borisov rất khác so với 'Oumuamua. Vật thể liên sao đầu tiên này tuy có màu sắc hơi đỏ nhưng đồng thời cũng có cả những màu sắc khác với các vật thể đá điển hình trong Hệ Mặt Trời.

"Đối với tôi", Drahus nói. "Hai đối tượng này chỉ ra cho chúng ta thấy rằng, có thể các hệ hành tinh có tính đa dạng lớn hơn so với chúng ta nghĩ trước đây, vì những vật thể này mang gợi ý về hệ hành tinh tại khu vực của chúng."

Và không giống như 'Oumuamua, hiện tại quá mờ nhạt để quan sát, sao chổi Borisov sẽ trở nên sáng hơn khi nó đến gần Mặt Trời nhất vào tháng 12. Trong khi Borisov tiến gần Trái Đất và Mặt Trời hơn vào những tuần tới, các nhà thiên văn học sẽ có nhiều cơ hội hơn để nghiên cứu chi tiết về vị khách đến từ các vì sao này.

Minh Phương
Theo Astronomy