Bering meteor

Mới đây, NASA đã công bố hình ảnh về một thiên thạch nổ trong khí quyển Trái Đất gần đây, vốn không được biết tới khi sự kiện xảy ra. Thiên thạch này đã lao vào khí quyển Trái Đất ngày 18 tháng 12 năm 2018 vừa qua và được ghi nhận bởi hai thiết bị thuộc vệ tinh Terra của NASA.

Trong bức ảnh, bạn có thể thấy đuôi của thiên thạch khi nó đi vào khí quyển giống như một vệt tối ở phía trên. Trong khi đó, ở phần dưới bên trái của bức ảnh là một vùng màu cam chính là khí cực nóng sinh ra do vụ nổ.

Các nhà khoa học của NASA ước tính rằng thiên thạch này có đường kính 10 mét và nặng khoảng 1.360 tấn. Nó lao vào khí quyển của chúng ta với vận tốc 115.200 km/h và phát nổ ở độ cao 25 km tính từ mực nước biển. Vụ nổ này tương đương với 173.000 tấn thuốc nổ TNT và gấp 10 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima năm 1945.

 

Nhỏ nhưng mạnh mẽ

Mặc dù có sức mạnh lớn như vậy, thiên thạch này vẫn ở mức nhỏ hơn nhiều so với những tảng đá không gian mà NASA tập trung quét để tìm kiếm qua các kính thiên văn. Cơ quan không gian này tập trung vào những vật thể có kích thước từ 140 mét, bởi kích thước đó là đủ để chúng quét sạch một bang của nước Mỹ.

Theo NASA, đây là quả cầu lửa lớn nhất được quan sát kể từ năm 2013, nhưng nó không có đe dọa nào bởi nó phát nổ ở rất cao và trên khu vực không có dân cư. Hình ảnh này đã được công bố tuần trước trong Hội nghị về Mặt Trăng và hành tinh được tổ chức ở Texas.

 

 

Những quả cầu lửa lịch sử

Các thiên thạch là một mối nguy hiểm hiếm gặp trên Trái Đất, nhưng đôi khi chúng cũng gây ra vấn đề. Vụ đáng kể nhất trong thời gian gần đây là thiên thạch 2013 Chelyabinsk đã lao vào bầu trời nước Nga cách đây hơn 5 năm và phát nổ cách mặt đất 29,7 km. Thiên thạch đó có đường kính 20 mét, tức là gấp đôi kích thước của thiên thạch vừa nổ phía trên biển Bering. Vụ nổ của nó giải phóng ra năng lượng được ước tính tương đương với 400 đến 500 nghìn tấn TNT và đã khiến hơn 1.000 người bị thương, trong đó 112 người đủ nghiêm trọng để phải nhập viện. Hầu hết chấn thương có nguyên nhân từ những mảnh thủy tinh bị vỡ ra từ các cửa và cửa sổ, một số khác bị đau mắt và bỏng tia tử ngoại tới từ vụ nổ.

Thiên thạch Chelyabinsk là vật thể lớn nhất đi vào khí quyển của chúng ta kể từ sau sự kiện Tunguska năm 1908. Vào ngày 30 tháng 6 năm đó, một thiên thạch đã phát nổ ở độ cao 10 km trên bầu trời phía Đông Siberia, dọn sạch hàng trăm km² rừng. Kích thước của thiên thạch này đến nay chưa được xác định rõ, nhưng ước tính cho biết tối thiểu nó cũng lớn gấp 3 lần thiên thạch Chelyabinsk.

Bryan
Theo Live Science