RCW 38

Trong hình ảnh này là cụm sao RCW38, được chụp bởi máy ảnh hồng ngoại HAWK-I gắn trên kính thiên văn rất lớn (VLT) của ESO đặt tại Chile. Với việc quan sát bước sóng hồng ngoại, HAWK-I có thể khám phá những cụm sao được bụi bao phủ như RCW 38, mang lại một cái nhìn vô giá về các sao đang hình thành trong đó. Cụm sao này có chứa hàng trăm sao nặng, trẻ và nóng, nằm ở khoảng cách khoảng 5500 năm ánh sáng ở hướng của chòm sao Vela (Cánh buồm).

Khu vực trung tâm của RCW 38 là vùng sáng màu xanh da trời, nơi có chứa nhiều sao rất trẻ và những tiền sao vẫn còn đang trong quá trình hình thành. Bức xạ dữ dội phát ra từ những sao mới ra đời này khiến cho khí xung quanh chúng phát sáng, tương phản với những dòng bụi vũ trụ lạnh hơn có dạng những vùng màu đỏ hoặc cam tối. Sự tương phản này tạo ra một cảnh tượng ngoạn mục - một bức tranh tuyệt đẹp của bầu trời.

Những hình ảnh trước đây của cùng tạo sao này thu được ở bước sóng quang học rất khác biệt - gần như không thấy các sao do khí và bụi đã cản tầm nhìn của chúng ta. Tuy nhiên, những quan sát hồng ngoại cho phép chúng ta nhìn xuyên qua bụi để đi sâu vào trái tim của cụm sao này.

HAWK-I được tích hợp vào kính số 4 (còn có tên là Yepun) của VLT với mục tiêu quan sát dải sóng hồng ngoại. Nó có rất nhiều vai trò khoa học, bao gồm việc ghi hình những thiên hà gần hoặc những tinh vân lớn cũng như những sao và ngoại hành tinh riêng lẻ. Một module quang học có tên là GRAAL có chức năng hỗ trợ HAWK-I trong việc có được những bức ảnh tuyệt đẹp thế này. Nó hoạt động bằng cách chiếu 4 chùm laser lên bầu trời, như những ngôi sao nhân tạo có tác dụng điều chỉnh hiệu ứng nhiễu loạn khí quyển, qua đó mang lại hình ảnh sắc nét hơn.

Hình ảnh này được chụp trong một chuỗi quan sát thử nghiệm của HAWK-I và GRAAL. Những thử nghiệm này là một phần không thể thiếu khi vận hành một thiết bị mới trên VLT, gồm nhiều quan sát khoa học với mục tiêu xác nhận và chứng minh khả năng của thiết bị mới.

R.T
Theo ESO