NGTS-1b

Một hành tinh khổng lồ, lẽ ra không thể tồn tại theo lý thuyết hình thành hành tinh, đã được khám phá ở quanh một ngôi sao rất xa. Nghiên cứu mới này đã được công bố trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society (Những báo cáo hàng tháng của Hội thiên văn học Hoàng gia).

Hành tinh "quái vật" vừa được phát hiện này được đặt tên là NGTS-1b. Sự tồn tại của nó thách thức các lý thuyết về hình thành hành tinh mà theo đó hành tinh với kích thước này không thể hình thành quanh một sao nhỏ như vậy. Theo các lý thuyết này, các sao nhỏ có thể dễ dàng hình thành các hành tinh đá nhưng không thể có đủ nguyên liệu để tạo ra những hành tinh cỡ Sao Mộc.

Tuy nhiên, NGTS-1b lại là một hành tinh khí khổng lồ thuộc nhóm "Sao Mộc nóng" - thuật ngữ chỉ các hành tinh có kích thước tối thiểu bằng Sao Mộc nhưng khối lượng nhỏ hơn khoảng 20%. Tuy vậy, khác với Sao Mộc, NGTS-1b nằm rất gần sao mẹ của nó - chỉ 3% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời - và có chu kỳ quỹ đạo chỉ 2,6 ngày (có nghĩa là 1 năm của nó chỉ dài bằng 2,6 ngày trên Trái Đất).

Trái ngược với hành tinh này, sao mẹ của nó lại rất nhỏ, với bán kính và khối lượng chỉ bằng nửa Mặt Trời của chúng ta. Giáo sư Peter Wheatley ở Đại học Warwick bình luận: "Mặc dù là một hành tinh quái vật, rất khó để phát hiện ra NGTS-1b vì sao mẹ của nó quá nhỏ và mờ. Các sao nhỏ thuộc loại sao lùn M như vậy thực ra là loại phổ biến nhất trong vũ trụ, điều đó có nghĩa là có thể còn rất nhiều hành tinh khổng lồ đang đợi được khám phá."

NGTS-1b là hành tinh đầu tiên được phát hiện bởi Khảo sát quá cảnh thế hệ tiếp theo (viết tắt là NGTS) - một dự án sử dụng kết hợp 12 kính thiên văn để quan sát bầu trời. Các nhà nghiên cứu đã có được phát hiện này nhờ việc theo dõi bầu trời liên tục trong nhiều tháng và phát hiện ánh sáng đỏ từ ngôi sao này nhờ các máy ảnh nhạy sáng đỏ. Họ chú ý tới sự thay đổi độ sáng của ngôi sao theo chu kỳ 2,6 ngày, cho thấy có một hành tinh chuyển động quanh ngôi sao và làm giảm ánh sáng mà chúng ta thu được theo chu kỳ.

Sử dụng dữ liệu này, các nhà khoa học xác định quỹ đạo của hành tinh và tính toán được kích thước, vị trí và khối lượng của NGTS-1b bằng cách đo vận tốc xuyên tâm của sao mẹ. Trên thực tế, phương pháp này cũng chính là cách tốt nhất đẻ đo được kích thước của NGTS-1b.

Tiến sĩ Daniel Bayliss - tác giả chính của nghiên cứu, cũng là nhà khoa học ở Đại học Warwick - cho biết: "Việc khám phá ra NGTS-1b là hoàn toàn bất ngờ đối với chúng tôi - những hành tinh lớn như vậy được cho rằng không tồn tại quanh những sao nhỏ như thế. Điều quan trọng là giờ đây thách thức của chúng tôi là tìm xem loại hành tinh này có phổ biến trong thiên hà hay không, và với cơ sở nghiên cứu mới của NGTS chúng tôi sẽ có thể thực hiện điều đó."

NGTS có cơ sở tại đài quan sát Paranal của ESO, ngay giữa sa mạc Atacama, Chile. Nó là một trong số rất ít cơ sở được điều hành bởi các đơn vị ngoài - ở đây là các đại học của Anh gồm Warwick, Leicester, Cambridge và đại học Queen ở Belfast, cùng với Đài quan sát Genève (Thụy Sĩ), Trung tâm hàng không không gian Đức tại Berlin (DLR Berlin) và Đại học Chile.

Giáo sư Peter Wheatley là người đứng đầu NGTS, ông rất vui mừng với kết quả tuyệt vời này: "Tôi đã làm việc gần một thập kỷ để phát triển hệ thống kính thiên văn NGTS, thật đáng kinh ngạc khi thấy nó tìm ra những loại hành tinh mới và không ngờ tới. Tôi đang trông đợi được thấy những loại hành tinh thú vị khác mà chúng tôi có thể tìm ra."

L.C

Theo Science Daily