Chuỗi các ảnh được chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble của NASA cho thấy sao chổi 252P/LINEAR khi nó đi ngang qua Trái Đất. Cuộc viếng thăm lần này là một trong những cuộc gặp gỡ gần nhất giữa một sao chổi với hành tinh chúng ta.

 

Những bức ảnh được chụp ở bước sóng biểu kiến bởi Camera trường rộng số 3 của Hubble vào ngày 4 tháng 4 năm 2016, khoảng 2 tuần sau khi vị khách băng giá này đến gần Trái Đất nhất vào ngày 21 tháng 3. Sao chổi này đã chuyển động ở khoảng cách 3,3 triệu dặm so với Trái Đất, hay khoảng 14 lần khoảng cách giữa Mặt Trăng và hành tinh chúng ta. Ngoài Mặt Trăng, nó là thiên thể gần nhất mà Hubble từng quan sát.

Những bức ảnh cho thấy một luồng bụi hẹp, dễ nhận thấy phóng ra từ nhân băng của sao chổi. Nhân này quá nhỏ để Hubble có thể quan sát được. Các nhà thiên văn ước tính nó có đường kính nhỏ hơn một dặm. Một sao chổi tạo ra các luồng vật chất khi nó di chuyển đến gần Mặt Trời trên quỹ đạo của nó. Bức xạ Mặt Trời làm nóng băng trong nhân sao chổi, kết quả là một lượng lớn bụi và khí bị phóng ra, đôi khi tạo thành các luồng. Luồng vật chất trong các bức ảnh của Hubble được chiếu sáng bởi ánh sáng Mặt Trời.

Trong các bức ảnh, luồng vật chất có vẻ như đang thay đổi hướng, đây là bằng chứng cho sự quay của nhân sao chổi. Nhân sao chổi quay khiến cho luồng vật chất cũng quay giống như nước phun ra từ bình tưới nước đang quay. Các bức ảnh này nhấn mạnh về động lực học và tính dễ bay hơi của nhân sao chổi.

Sao chổi 252P/LINEAR đang di chuyển ra xa Trái Đất và Mặt Trời; quỹ đạo của nó sẽ mang nó trở lại vùng trong của Hệ Mặt Trời vào năm 2021, nhưng sẽ không đi qua gần Trái Đất nữa.

Gia Linh

Theo Science Daily