Một thời điểm quan trọng trong cuộc đời của một ngôi sao như Mặt Trời là khi nó dừng việc giảm tốc độ tự quay, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature của các nhà khoa học từ đại học Birmingham. Phát hiện này thách thức các lý thuyết hiện hành và tác động tới sự hiểu biết của chúng ta về cách Mặt Trời và các sao khác ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, bao gồm các hành tinh, khi chúng già đi.
Sự tự quay của Mặt Trời đang chậm lại bởi tương tác giữa từ trường với một luồng các hạt thoát ra từ bề mặt của nó. Những sao giống Mặt Trời khác cũng cho thấy điều tương tự. Nghiên cứu này đã sử dụng một phương pháp gọi là gyrochronology (phương pháp niên đại học dựa trên sự quay) để ước tính tuổi của các sao từ tốc độ tự quay của chúng.
Theo nghiên cứu trước đây, người ta tin rằng tốc độ quay của các sao già hơn sẽ tiếp tục chậm lại. Tuy nhiên, các nhà vật lý thiên văn ở Birmingham đã khám phá ra rằng ở một độ tuổi nhất định, các sao dừng việc chậm lại và không còn tuân theo qui tắc của gyrochronology.
Tiến sĩ Guy Davies, đồng tác giả nghiên cứu từ trường Vật lý và Thiên văn của đại học Birmingham cho biết “Các nhà vật lý thiên văn nghĩ rằng các sao giảm tốc độ tự quay từ khi bắt đầu già đi đến lúc kết thúc cuộc đời của nó, nhưng chúng tôi phát hiện ra rằng sự châm đi này sẽ dừng lại khi các sao đến tuổi trung niên”.
Ông cho biết thêm: “Mặt Trời 4,5 tỉ năm tuổi và chúng ta biết nó đang đến gần thời gian quan trọng này và vì vậy chúng tôi nghĩ nó sẽ dừng chậm lại trong vài trăm triệu năm tới."
Sự thay đổi hành vi này trong tương lai có khả năng tác động đến cách Mặt Trời tương tác với Trái Đất. Khi từ trường thay đổi là lúc ngôi sao đã "nhấc chân của nó khỏi phanh" và không còn chậm lại. Những thay đổi đó trong từ trường có thể dẫn tới giảm bớt sự phát xạ hạt năng lượng cao và giảm tần suất của bão Mặt Trời. Điều này sẽ giảm bớt nguy cơ gây ra bởi những sự kiện thời tiết không gian cho một xã hội công nghệ tiên tiến. Nó cũng có thể làm giảm đáng kể những rủi ro đến các chuyến du hành không gian của con người.
Giáo sư Bill Chaplin, người đứng đầu nghiên cứu về Mặt Trời và các sao của Birmingham cho biết thêm “Nghiên cứu có ý nghĩ lớn với cách chúng ta nhìn nhận Mặt Trời ra diện rộng hơn, đó là nhìn chung về các sao giống Mặt Trời trong thiên hà của chúng ta, một số trong đó sẽ có những hành tinh giống như hành tinh của chúng ta”.
L.C
Theo Space Daily