Nằm sâu trong vùng tạo sao khổng lồ này là ba cụm sao trẻ chỉ vài triệu tuổi phát ra bức xạ tử ngoại mạnh mẽ. Chính ánh sáng từ các ngôi sao này là nguyên nhân khiến các đám mây khí của tinh vân này phát sáng. Bức xạ loại bỏ electron khỏi các nguyên tử - quá trình chúng ta vẫn gọi là sự ion hóa - và khi chúng tái hợp lại năng lượng được giải phóng ra dưới dạng ánh sáng. Mỗi nguyên tố hóa học phát ra ánh sáng với màu sắc đặc trưng và các đám mây hydro lớn trong tinh vân là nguyên nhân cho ánh sáng đỏ phát ra từ nó.

Gum 56 - hay có kí hiệu là IC 4628 hoặc còn biết tới với một tên riêng khác là Prawn Nebula (Tinh vân Tôm Sú) - được đặt tên theo nhà thiên văn người Úc Colin Stanley Gum, người đã xuất bản một catalogue của các vùng H II vào năm 1955. Các vùng H II như Gum 56 có kích thước khổng lồ, các đám mây có mật độ thấp chứa một lượng lớn hydro đã được ion hóa.

Một phần lớn của quá trình ion hóa trong Gum 56 được thực hiện bởi hai ngôi sao loại O, những sao trắng-xanh nóng hay còn gọi là các sao khổng lồ xanh lam do màu sắc của chúng. Loại sao này được coi là hiếm trong vũ trụ do khối lượng lớn của chúng không cho phép chúng sống lâu. Chỉ sau khoảng một triệu năm những ngôi sao này sẽ tự sụp đổ và tạo ra những supernova, cũng như nhiều sao lớn khác trong tinh vân.

Bên cạnh các sao mới nằm sâu trong tinh vân, khu vực lớn này vẫn chất đủ bụi và khí để có thể tạo ra một thế hệ các sao mới hơn nữa. Những vùng này của tinh vân sinh ra các ngôi sao mới được hiển thị dưới hình ảnh các đám mây dày đặc. Các vật chất tạo thành các ngôi sao đó bao gồm phần còn lại của các sao khổng lồ thuộc một thế hệ trước và giờ đã chết đi, để lại các vật chất từ vụ nổ supernova. Và vòng đời của các ngôi sao tiếp diễn.

Dựa trên quan sát hai sao khổng lồ xanh bất thường và những điểm nổi bật của tinh vân này qua bước sóng hồng ngoại và vô tuyến, có vẻ đáng ngạc nhiên khi khu vực này mới chỉ được nghiên cứu rất ít và không được các nhà thiên văn chuyên nghiệp quan tâm đến. Gum 56 mặc dù có đường kính khá lớn khoảng 250 năm ánh sáng, nó cũng thường không được quan sát thấy trực tiếp do hầu hết bức xạ nó phát ra nằm ở những bước sóng mắt người không thấy được.

Tinh vân này nằm cách Trái Đất khoảng 6000 năm ánh sáng, trong khu vực của chòm sao Scorpius (Bọ Cạp).

Tuấn Phong (VACA)
Theo Space Daily