Bức ảnh này được chụp bởi kính thiên văn không gian Hubble của NASA/ESA. Trong ảnh là NGC 7026, một tinh vân hành tinh. Nằm ở vị trí cuối cái đuôi của con Thiên nga (chòm sao Cygnus), nó có dạng một đám mây mang hình ảnh con bướm, tạo thành bởi khí và bụi, phần còn lại của một ngôi sao tương tự như Mặt Trời.

Tinh vân hành tinh, không như cái tên nó mà người ta dễ nhầm tưởng, thực ra chẳng có gì liên quan tới hành tinh cả. Chúng chỉ là những đám bụi sinh ra khi một ngôi sao có kích thước trung bình (như Mặt Trời) đi tới cuối đời, lõi trong co lại và giải phóng năng lượng phá nát lớp vỏ tạo thành một đám khí và bụi. Khi đám khí bị đốt nóng, các nguyên tử được kích thích và sáng lên như bóng đèn huỳnh quang.

Các đèn huỳnh quang trên Trái Đất mà chúng ta sử dụng phát ra ánh sáng từ khí lấp đầy trong chúng. các đèn neon tạo ra ánh sáng đỏ, trong khi các tia cực tím thì được tạo ra từ thủy ngân. Điều tương tự xảy ra với các tinh vân, các màu sắc sống động của chúng được tạo ra bởi hỗn hợp các khí trong chúng.

Bức ảnh này cho thấy NGC 7026 với các ánh sáng màu xanh lá cây từ ngôi sao trung tâm, trong khi ánh sáng đỏ phát ra từ khí ni-tơ bị kích thích còn ánh sáng xanh da trời thì phát ra từ oxy (trên thực tế thì chúng ta chỉ thấy màu xanh lá cây, nhưng bức ảnh này đã được tăng độ tương phản để quan sát rõ các màu sắc này)

Ngoài ánh sáng biểu kiến, NGC 7026 còn bức xạ ra các sóng X, và đã được nghiên cứu bởi kính thiên văn không gian XMM-Newton của ESA. Tia X phát ra từ NGC 7026 là do khí cực nóng trong tinh vân.

Bức ảnh được thực hiện bởi Camera hành tinh trưởng rộng số 2 của kính thiên văn không gian Hubble, góc chụp là 35 giây góc.

Một bản của bức ảnh này đã được đưa vào Kho tàng ẩn của Hubble - một sáng kiến về việc lưu trữ những bức ảnh đẹp nhất của Hubble chưa từng được công bố cho những người yêu thích thiên văn có thể tra cứu.

VACA
(Theo Space Daily)