Năng lượng tối, thứ năng lượng bí ẩn đóng vai trò trong quá trình giãn nở gia tốc của vũ trụ được các nhà khoa học cho rằng đã được "khởi động" vào khoảng từ 5 tới 7 tỷ năm trước. Ngày nay các nhà thiên văn học đã lập bản đồ hàng nghìn thiên hà và tính toán chính xác nhất có thể khoảng cách của chúng, trong nỗ lực tìm đến tận cùng bí ẩn của năng lượng tối.
Năng lượng tối được tin rằng chiếm tới 74% tổng năng lượng và khối lượng của vũ trụ (phần còn lại là của vật chất tối và vật chất thông thường, trong đó vật chất thông thường của chúng ta chỉ chiếm có 4% tổng năng lượng và khối lượng vũ trụ - độc giả có thể ấn vào link sau đây để xem video bài thuyết trình về qui mô vĩ đại của vũ trụ: http://www.youtube.com/watch?v=S56XPejW9vU ) Chúng không thể được phát hiện một cách trực tiếp, mà chỉ thông qua quá trình giãn nở gia tốc của vũ trụ trong đó tất cả các thiên hà đều di chuyển ra xa nhau với một vận tốc ngày càng tăng.
Nhưng sự giãn nở của vũ trụ không phải luôn có gia tốc. Các nhà lý thuyết cho rằng trước khoảng thời gian từ 5 tới 7 tỷ năm trước, quá trình giãn nở của vũ trụ đã từng khá chậm chạp do sự níu giữ của lực hấp dẫn. Sau đó, sự chậm lại này dừng lại và năng lượng tối bắt đầu làm cho tốc độ giãn nở tăng lên.
Để nghiên cứu những thay đổi này trong quá trình giãn nở của vũ trụ, các nhà khoa học phải đo khoảng cách giữa các thiên hà ngày nay, cũng như trong những thời kì khác nhau trước đây. Họ có thể làm được điều này bằng cách quan sát các thiên hà xa tới mức mà ánh sáng đã mất hàng tỷ năm để tới với chúng ta, chúng giúp vẽ nên một bức tranh về vũ trụ hàng tỷ năm trước.
Ngày nay, các nhà thiên văn học đã tạo ra bản đồ chính xác nhất từng có về các thiên hà trong vũ trụ xa xôi, mở ra một cửa sổ để quan sát về quá khứ, và có thể là cho cả năng lượng tối. Bản đồ được thực hiện nhờ dữ liệu thu được qua khảo sát dao động quang phổ của baryon (BOSS), một phần trong gian đoạn thứ ba của khảo sát bầu trời kĩ thuật số Sloan (Sloan Digital Sky Survey - SDSS-III)
Đến nay BOSS đã quan sát được hơn 250.000 thiên hà sau một năm rưỡi hoạt động, các nhà khoa học sử dụng ữ liệu này để cố gắng đo chính xác tốc độ giãn nở của vũ trụ ở thời điểm 6 tỷ năm trước. Tuy nhiên những dữ liệu như thế này vẫn còn rất ít ỏi và các nhà khoa học hi vọng thời gian tới sẽ có thêm nhiều quan sát để qua đó hiểu rõ hơn về biểu hiện của năng lượng tối vào thời điểm nhiều tỷ năm trước.
VACA
(theo Space.com)