Trung tâm của hầu hết các thiên hà được tin rằng có một lỗ đen với khối lượng hàng tỷ lần Mặt Trời và lực hấp dẫn của nó phá nát mọi dạng vật chất xung quanh. Chúng ngăn cản sự hình thành các ngôi sao. Tuy nhiên mới đây một nhóm nghiên cứu quốc tế khi nghiên cứu thiên hà gần Centaurus A đã phát hiện ra điều ngược lại: lỗ đen có vẻ như giúp cho việc tạo thành sao.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Stanislav Shabala tại đại học Tasmania, tiến sĩ Mark Crockett tại đại học Oxford và tiến sĩ Sugata Kaviraj tại đại học Hoàng gia London công bố kết quả nghiên cứu của họ trên tạp chí "Thông tin hàng tháng của Hội thiên văn Hoàng gia".

Các lỗ đen ở trung tâm các thiên hà biến động không ngừng, kéo vật chất xung quanh chúng thành những dòng chảy trải dài tới hàng triệu năm ánh sáng. Những dòng chảy này chạy xuyên qua khí trong thiên hà, nén chúng lại rồi đót nóng và đẩy chúng ta xung quanh. Một phần khí này là những nguyên liệu đầu tiên để hình thành các ngôi sao.

Các nhà thiên văn sử dụng ống kính trường rộng WFC3 của kính thiên văn không gian Hubble để nghiên cứu các khu vực trung tâm của Centaurus A - thiên hà có kí hiệu NGC 5128, một thiên hà sáng cách chúng ta 13 triệu năm ánh sáng, ở vị trí phía Nam của chòm sao Centaurus.

Dưới quan sát biểu kiến, một vành đai nổi bật của bụi chạy dọc thiên hà có thể được nhìn thấy và khi quan sát ở dải X và dải vô tuyến, nó mở rộng ra tới một triệu năm ánh sáng từ lỗ đen trung tâm.

Với WFC3, các nhà khoa học có một cái nhìn gần vào dải này, một vùng nằm gần dòng vật chất là nguồn của bức xạ tử ngoại và tia X. Sử dụng những bức ảnh của Hubble, nhóm nghiên cứu có thể lập lại lịch sử của sự hình thành sao trong thiên hà quanh vành đai này.

Họ phát hiện ra rằng ở cuối đường vành đai này là các sao trẻ với tuổi tương tự như tuổi của dòng vật chất quanh lỗ đen trung tâm. Chúng tập trung ngay gần dòng vật chất mà không hề có mặt ở những vùng khác, điều này cho thấy chúng đã được tạo thành từ chính những khí của dòng vật chất này. Vùng trung tâm của dòng vật chất có các khí bị nén chặt và khi suy sụp chúng tạo thành các thành phần hình thành nên các ngôi sao.

Tiến sĩ Shabala bình luận "Sự hình thành sao từ dòng vật chất này còn quan trọng hơn trong vũ trụ trẻ trước đây, nơi mà các khối khí đậm đặc phổ biến hơn nhiều. Nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết của việc xem xét lại vai trò phản hồi của dòng vật chất (quanh lỗ đen) trong mô hình hình thành thiên hà hiện nay của chúng ta. Nó bổ sung một phần thú vị cho câu đố lớn để hiểu làm sao mà các thiên hà lại có như những gì chúng ta biết ngày nay"

VACA
(Theo Space Daily)