Một quần thiên hà đặc biệt, lớn nhất trong vũ trụ xa xôi đã được tìm thấy qua quan sát sử dụng đài thiên văn Candra X-ray của NASA và kính thiên văn vũ trụ Atacana (ACT) tại Chile.

Quần thiên hà có kí hiệu ACT-CL J0102-4915, được đặt biệt danh là "El Gordo" (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là gã to lớn hay gã béo) bởi các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nó. Quần thiên hà nằm cách chúng ta tới 7 tỷ năm ánh sáng, điều này có nghĩa là chúng ta đang quan sát thấy giai đoạn sớm của nó.

"Quần thiên hà này nặng nhất, nóng nhất và phát ra lượng tia X lớn nhất so với bất kì quần nào đã biết ở khoảng cách này hay thậm chí xa hơn", cho biết của Felipe Menanteau từ đại học Rutgers tại New Brunswick, New Jersey.

Các quần thiên hà, những thiên thể lớn nhất vũ trụ được liên kết bởi lực hấp dẫn giữa các nhóm và quần thiên hà nhỏ hơn bên trong. Do sự hình thành của các quần thiên hà phụ thuộc vào lượng vật chất tối và năng lượng tối trong vũ trụ, các quần thiên hà có thể được sử dụng để nghiên cứu về những hiện tượng còn bí ẩn này.

Vật chất tối (dark matter) là dạng vật chất được xác định sự tồn tại qua hiệu ứng hấp dẫn, nhưng nó không hề bức xạ hay hấp thụ ánh sáng. Còn năng lượng tối là một dạng năng lượng được tính ra trên lý thuyết, nó xâm chiếm mọi nơi trong không gian và là tác nhân quan trọng nhất cho sự giãn nở gia tốc của vũ trụ.

"Những quần thiên hà khổng lồ như thế này chính là cái chúng tôi đang cố tìm kiếm" Jack Hughs tại Rutgers nói "Chúng tôi muốn xem liệu chúng ta có thể hiểu được những cấu trúc vĩ đại như vậy bằng các mô hình vũ trụ học hiện nay hay không"

Mặc dù một quần thiên hà với kích thước và khoảng cách như El Gordo là rất hiếm, nó vẫn có thể được giải thích với mô hình chuẩn của Big Bang hiện nay, theo đó vũ trụ gồm một lượng lớn vật chất tối và năng lượng tối, đã ra đời sau một vụ nổ lớn cách đây khoảng 13,7 tỷ năm.

VACA
(Theo Astronomy)