Ở một nơi xa xôi trong vũ trụ, cách chúng ta khoảng 13 tỷ năm ánh sáng, ẩn giấu những loại thiên hà kì lạ. Che phủ bởi bụi cùng khoảng cách quá xa, ngay cả kính thiên văn không gian Hubble cũng không thể quan sát được vị trí này. Kính thiên văn không gian Spitzer đã phát hiện tại đây tới 4 thiên hà màu đỏ, các nhà thiên văn vẫn chưa thể giải thích nguyên nhân của màu sắc này.

Jiasheng Huang tại trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA) thuộc Cambridge, Massachusetts cho biết: "chúng tôi đã cố gắng để dựng nên các mô hình phù hợp với các quan sát này"

Spitzer có thể quan sát những nơi mà Hubble không thể do nó được thiết kế nhạy với bức xạ hồng ngoại (bức xạ có bước sóng dài hơn ánh sáng đỏ). Những thiên hà mới phát hiện có dải hồng ngoại gấp 60 lần giới hạn "đỏ nhất" mà kính Hubble có thể phát hiện.

Các thiên hà đỏ tới như vậy có thể do nhiều lí do: có thể do bụi, có thể do nhiều sao già đỏ, hay đơn giản là vì chúngowr quá xa, sự giãn nở của vũ trụ làm bước sóng của chúng kéo dài ra tới như vậy khi đến với chúng ta (sự dịch chuyển đỏ).

Cả 4 thiên hà được tìm thấy đều ở rất gần nhau và tác động trực tiếp đến nhau. Khoảng cách của chúng cho chúng ta biết rằng chúng ta đang thấy hình ảnh của chúng vào giai đoạn 13 tỷ năm trước, khi vũ trụ mới hình thành khoảng 1 tỷ năm, đây chính là thời kì các thiên hà bắt đầu hình thành.

"Hubble đã cho chúng ta thấy nhiều thiên hà ở giai đoạn đầu, nhưng không có thứ gì giống như thế này" Giovani Fazio tại CfA cho biết "nói cách khác các thiên hà này là một phần bị bỏ lỡ trong sự tiến hóa của thiên hà"

Tiếp theo, các nhà nghiên cứu hi vọng có thể đo độ dịch chuyển đỏ của các thiên hà, cũng như tìm thêm những thiên hà tương tự. "Có bằng chứng cho thấy các thiên hà dạng này có mặt ở những vùng trời khác, chúng tôi sẽ phân tích thêm quan sát từ Spizer và Hubble để tìm ra chúng" Fazio nói

VACA
(Theo Astronomy)