LEDA 857074

Hình ảnh từ Kính thiên văn không gian Hubble của NASA/ESA này cho thấy thiên hà LEDA 857074, nằm trong chòm sao Eridanus. LEDA 857074 là một thiên hà xoắn dạng thanh, với các cánh tay xoắn bị phá vỡ một phần. Hình ảnh cũng chụp được một supernova, có tên là SN 2022ADQZ, sáng rực ở phía bên phải của thanh thiên hà.

Có nhiều kịch bản khác nhau dẫn đến một vụ nổ supernova. Một trong số đó là cái chết của một sao siêu nặng. Khi một sao siêu nặng cạn kiệt nhiên liệu hydro, nó bắt đầu giai đoạn nhiệt hạch các nguyên tố còn lại thành những nguyên tố nặng hơn. Các phản ứng nhiệt hạch cuối cùng này tạo ra ngày càng ít lực đẩy ra ngoài (dưới dạng áp suất bức xạ) để cân bằng được với lực hấp dẫn của ngôi sao.

Khi các nguyên tố nặng hơn hình thành trong lõi của ngôi sao, bản thân lõi bắt đầu sụp đổ hoàn toàn dưới lực hấp dẫn của chính nó, và các lớp ngoài của ngôi sao nổ tung ra trong một vụ nổ supernova. Tùy thuộc vào khối lượng ban đầu của ngôi sao, lõi của nó có thể sụp đổ chỉ còn lại neutron, tạo thành một sao neutron, hoặc lực hấp dẫn của nó có thể lớn đến mức sụp đổ thành một lỗ đen.

Các nhà thiên văn học đã phát hiện supernova SN 2022ADQZ thông qua một khảo sát tự động vào cuối năm 2022. Phát hiện này đã dẫn họ đến việc quan sát thiên hà chủ của supernova, LEDA 857074, bằng Hubble vào đầu năm 2023.

Khả năng quan sát sắc bén của Hubble cho phép nó có thể quan sát các supernova ở khoảng cách hàng tỷ năm ánh sáng mà các kính thiên văn khác khó có thể nghiên cứu. Hình ảnh supernova chụp từ mặt đất thường bị hòa lẫn với hình ảnh của thiên hà chủ, nhưng Hubble có thể phân biệt ánh sáng của supernova với ánh sáng của thiên hà chủ, qua đó theo dõi trực tiếp supernova.

R.T
Theo Phys.org