N79

Bức ảnh này chụp bởi kính thiên văn không gian James Webb của NASA/ESA/CSA cho thấy một vùng H II trong thiên hà vệ tinh của chúng ta, Mây Magellan Lớn (LMC). Tinh vân này, được biết đến với tên N79, là một vùng chứa đầy hydro nguyên tử liên sao đang bị ion hóa, được ghi lại bởi máy ảnh trung hồng ngoại (MIRI) của Webb.

N79 là một vùng tạo sao khổng lồ trải rộng tới 1.630 năm ánh sáng trong khu vực phía Tây Nam chưa được khám phá của LMC. N79 thường được coi là phiên bản trẻ hơn của 30 Doradus (còn được biết đến với cái tên là Tinh vân Tarantula), một trong những mục tiêu gần đây của Webb. Nghiên cứu cho thấy N79 có tốc độ sao cao gấp đội 30 Doradus trong 500.000 năm qua.

Bức ảnh này tập trung vào một trong ba vùng mây phân tử khổng lồ, được gọi là Nam N79 Phía Nam (hay ngắn gọn là S1). Khu vực có dạng như một vụ bùng nổ sao quanh vùng sáng này là một loạt các đỉnh giao thoa. Tất cả các kính thiên văn sử dụng gương để thu thập ánh sáng như Webb đều cho thấy hình ảnh có dạng này bởi chính thiết kế của kính.

Trong trường hợp của Webb, sáu đỉnh giao thoa lớn nhất xuất hiện do đối xứng lục giác của 18 mảnh thuộc gương chính của Webb. Hình dạng thế này chỉ có thể nhìn thấy xung quanh các đối tượng sáng, cô đặc, nơi toàn bộ ánh sáng đều xuất phát từ cùng một nguồn. Hầu hết các thiên hà, dù chúng có vẻ nhỏ trong góc nhìn của chúng ta, đều tối hơn và rộng lớn hơn một ngôi sao đơn lẻ, và do đó không tạo thành hình ảnh dạng này.

Ở các bước sóng dài mà MIRI thu được, Webb quan sát thấy khí và bụi phát sáng của N79. Điều này là bởi vì bức xạ có bước sóng trung bình của dải hồng ngoại có thể tiết lộ những gì đang xảy ra sâu hơn bên trong các đám mây (trong khi các bước sóng ngắn hơn của ánh sáng sẽ bị hấp thụ hoặc tán xạ bởi các hạt bụi trong tinh vân). Một số sao sơ sinh vẫn đang hình thành dở cũng xuất hiện trong hình ảnh này.

Các vùng tạo sao như thế này là mối quan tâm của các nhà thiên văn học vì thành phần hóa học của chúng tương tự như của các vùng tạo sao khổng lồ được quan sát ở thời điểm vũ trụ chỉ mới vài tỷ năm tuổi và đang tạo sao dữ dội. Các vùng tạo sao trong thiên hà Milky Way của chúng ta không sản xuất sao với tốc độ dữ dội như N79, và có thành phần hóa học khác biệt. Webb hiện đang mang lại cơ hội cho các nhà thiên văn học so sánh và đối chiếu các quan sát về hình thành sao ở N79 với các quan sát sâu của kính thiên văn về các thiên hà xa xôi trong vũ trụ sơ khai.

Những quan sát này về N79 là một phần của chương trình mà trong đó Webb nghiên cứu sự phát triển các đĩa và vỏ xung quanh các sao đang hình thành trên phạm vi rộng về khối lượng và ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Độ nhạy của Webb sẽ cho phép các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện các đĩa bụi tiền hành tinh quanh các sao có khối lượng tương tự như Mặt Trời của chúng ta ở khoảng cách của LMC.

Bức ảnh này bao gồm ánh sáng ở bước sóng 7,7 micron được hiển thị bằng màu xanh lam, 10 micron bằng xanh lơ, 15 micron bằng màu vàng, và 21 micron bằng màu đỏ (các bộ lọc tương ứng là 770W, 1000W, 1500W, và 2100W).

Bryan
Theo Phys.org