Bức ảnh ấn tượng này của mà kính thiên văn không gian Hubble chụp được cho thấy một cụm sao cầu dày đặc có tên là NGC 2210, thuộc Mây Magellan Lớn (LMC). LMC cách Trái Đất khoảng 157.000 năm ánh sáng và là một thiên hà vệ tinh của Milky Way, có nghĩa là hai thiên hà này có sự liên kết hấp dẫn (giống như Mặt Trăng là vệ tinh của Trái Đất).
Cụm sao cầu là những cụm sao rất ổn định, liên kết chặt chẽ với hàng nghìn hoặc thậm chí hàng triệu ngôi sao. Độ ổn định của chúng có nghĩa là chúng có thể tồn tại trong thời gian dài, và do đó cụm sao cầu thường được nghiên cứu để tìm hiểu về những quần thể sao đã tồn tại từ rất xa trong quá khứ.
Trên thực tế, nghiên cứu năm 2017 sử dụng một số dữ liệu cũng của Hubble đã tiết lộ rằng một nhóm cụm sao cầu được lấy mẫu trong LMC gần như cùng tuổi với một số cụm sao già nhất trong quầng của Milky Way. Họ phát hiện ra rằng cụm sao NGC 2210 cụ thể có thể có tuổi khoảng 11,6 tỷ năm.
Mặc dù chỉ trẻ hơn vài tỷ năm so với vũ trụ, nhưng cũng đủ để khiến NGC 2210 trở thành cụm sao cầu trẻ nhất trong những thiên hà được lấy mẫu. Tất cả các cụm sao cầu khác được nghiên cứu trong nhóm này đều được xác định rằng có tuổi lớn hơn, với bốn cụm trong số đó trên 13 tỷ năm tuổi. Điều này cho các nhà thiên văn học biết rằng các cụm sao cầu già nhất trong LMC đã hình thành cùng giai đoạn với các cụm già nhất của Milky Way, mặc dù hai thiên hà này đã hình thành độc lập với nhau.
Ngoài việc là đối tượng cho nhiều nghiên cứu, cụm sao này còn là một hình ảnh đẹp mắt bởi quần thể sao dày đặc của nó. Bầu trời đêm sẽ trông rất khác từ góc nhìn của cư dân trên một hành tinh ở quanh một trong những ngôi sao ở trung tâm cụm sao cầu: đầy ắp sao, dày đặc gấp hàng nghìn lần bầu trời đêm của chúng ta.
R.T
Theo Phys.org