exoplanet

Kính thiên văn không gian James Webb vừa phát hiện ra khả năng tồn tại dimethyl sulfide (C2H6S) - một hợp chất mà ở Trái Đất được biết rằng chỉ có thể ra đời từ hoạt động của sinh vật phù du - trong khí quyển một ngoại hành tinh vốn được cho rằng có thể tồn tại đại dương lỏng.

Với khả năng quan sát của mình, Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) được các nhà khoa học cho rằng có thể phát hiện ra dấu hiệu của sự sống ở những ngoại hành tinh trong bán kính 50 năm ánh sáng. Mới đây, đã có một phát hiện như vậy ở khoảng cách xa hơn gấp đôi kỳ vọng đó, ở một hành tinh nằm trong vùng sống được của một ngôi sao cách chúng ta khoảng 120 năm ánh sáng.

Ngoại hành tinh đang thu hút sự chú ý này là K2-18 b, một hành tinh chuyển động trên quỹ đạo thuộc vùng sống được (dải khoảng cách tính từ ngôi sao mà nếu một hành tinh nằm trong khoảng đó thì nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt của nó). Hành tinh này có đường kính gấp 2,6 lần Trái Đất và khối lượng gấp 8,6 lần. Nó được phát hiện lần đầu vào năm 2015 bởi kính thiên văn không gian Kepler của NASA. Vào năm 2018, kính thiên văn không gian Hubble đã phát hiện thấy nước trong khí quyển của hành tinh này.

Trong nghiên cứu mới đã đăng trên arXiv (và đang đợi để được công bố chính thức trên The Astrophysical Journal Letters), các nhà nghiên cứu đã sử dụng JWST để phân tích kỹ hơn ánh sáng đi qua khí quyển của K2-18 b.

Kết quả phân tích quang phổ thu được cho thấy khí quyển của ngoại hành tinh này chứa rất nhiều hydro, methane và carbon dioxide, cùng một ít ammonia. Điều này cho thấy K2-18 b có thể là một hành tinh dạng hycean - những hành tinh giàu hydro và có đại dương đầy nước bao phủ.

Những hành tinh dạng hycean là những ứng viên hàng đầu để tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Hiển nhiên, ngay cả đã có đại dương thì cũng không có gì khẳng định được rằng K2-18 b có sự sống. Nó có thể quá nóng hoặc thiếu những chất dinh dưỡng phù hợp để sự sống ra đời.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy dấu vết của dimethyl sulfide - một hợp chất có mùi khó chịu mà trước giờ được biết rằng chỉ ra đời bởi vi sinh vật ở đại dương của Trái Đất. Và do đó việc nó tồn tại ở nơi nào đó gợi ý rằng đó có thể là dấu hiệu của sự sống.

Tuy nhiên, sự tồn tại của hợp chất này ở K2-18 b cần có xác nhận chính xác hơn. Ngoài ra, cũng không loại trừ được khả năng một quá trình địa chất nào đó đã dẫn tới sự tạo thành thứ này thay vì cần thông qua quá trình sinh học nào đó.

Dù kết quả cuối cùng về K2-18 b ra sao, nó cũng cho thấy rằng những hành tinh dạng hycean thực sự là những nơi lý tưởng để tìm kiếm sự sống trong vũ trụ. Đồng thời, JWST cũng sẽ được tiếp tục sử dụng để tìm hiểu thêm về các ngoại hành tinh khi mà khả năng của nó đang mang lại những cái nhìn chưa từng có về vũ trụ.

Bryan
Theo Livescience