exoplanet

Các nhà thiên văn học châu Âu đã thực hiện quan sát quang phổ học và trắc quang đối với một ngoại hành tinh khổng lồ xa xôi được biết đến với tên gọi TOI-837 b. Kết quả là họ phát hiện ra rằng TOI-837 b là một hành tinh cỡ Sao Thổ còn khá trẻ với một lõi khối lượng lớn, điều này thách thức các lý thuyết hiện nay về sự hình thành lõi hành tinh.

Phát hiện của họ đã được công bố trong một bài báo trên máy chủ đợi in của arXiv.

TOI-837 b được phát hiện vào năm 2020, di chuyển quanh một sao lùn trẻ (khoảng 35 triệu năm tuổi) có quang phổ loại F9/G0. Nó nằm trong cụm sao mở IC 2602, cách chúng ta khoảng 465 năm ánh sáng. Hành tinh này chỉ mất 8,32 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo. Các phép đo cho thấy nó có bán kính khoảng 0,77 lần Sao Mộc. Ngôi sao TOI-837 (sao chủ của hành tinh) có kích thước tương đương còn khối lượng thì khoảng 1,14 lần Mặt Trời, với nhiệt độ bề mặt gần 6.000 K.

Nhóm các nhà thiên văn học, do Oscar Barragán ở Đại học Oxford (Anh) dẫn đầu, quyết định tiến hành các quan sát quang phổ và trắc quang tiếp theo của TOI-837 b để xác định đầy đủ hơn các tính chất của nó. Với mục đích này, họ đã sử dụng Vệ tinh Khảo sát Ngoại hành tinh bằng phương pháp Quá cảnh (TESS) của NASA và và một số cơ sở trên mặt đất.

Các nhà thiên văn học nhấn mạnh rằng các tính chất được xác định của TOI-837 b, chủ yếu là mật độ, độ tuổi và khoảng cách tới ngôi sao, cho thấy khối lượng lõi khoảng 70 lần khối lượng Trái Đất (0,22 khối lượng Sao Mộc), do đó chiếm khoảng 60% tổng khối lượng của hành tinh.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng một lõi lớn như vậy trong một hành tinh còn khá trẻ đặt ra một thách thức đối với các mô hình hiện tại về sự hình thành hành tinh và quá trình tích tụ lõi, đặc biệt là do mức kim loại của sao chủ tương đối thấp (chỉ ở mức 0,01 dex).

"Cuộc điều tra của chúng tôi với hệ TOI-837 và đồng hành thú vị của nó, TOI-837 b, cho thấy một ngoại hành tinh cỡ Sao Thổ còn trẻ hoàn toàn khác với trông đợi bởi cái lõi lớn bất thường của nó," các tác giả đã viết.

Do các đặc điểm độc đáo của nó, TOI-837 b sẽ là mục tiêu của của những nghiên cứu sâu về khí quyển. Chẳng hạn, việc đo tỷ lệ kim loại tổng thể trong khí quyển hành tinh có khả năng tiết lộ bản chất thực sự của lõi của nó. Những nghiên cứu như vậy có thể sẽ được thực hiện bằng kính thiên văn không gian James Webb (JWST).

Bryan
Theo Phys.org