V960 Mon

Hình ảnh tuyệt đẹp về một hệ sao cách Trái đất 5.000 năm ánh sáng cuối cùng cũng đã giải thích làm thế nào để các hành tinh có kích thước như Sao Mộc được sinh ra từ các trường khí hỗn loạn.

Một ngôi sao ‘nhấp nháy một cách kỳ lạ’ đã giúp hai trong số những kính thiên văn mạnh nhất thế giới chụp lại được một cảnh tượng hiếm có và tuyệt vời: Một hệ sao trẻ, thai nghén những khối khí khổng lồ và đang trong quá trình tạo nên một hành tinh lớn có kích thước bằng Sao Mộc.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra những va chạm sao rất nhỏ xung quanh một ngôi sao có tên là V960 Mon, nằm cách Trái đất khoảng 5.000 năm ánh sáng thuộc chòm sao Monoceros (Ngựa một sừng). Ngôi sao này lần đầu tiên thu hút sự chú ý của các nhà thiên văn học vào năm 2014, khi nó đột nhiên sáng hơn 20 lần so với độ sáng ban đầu và sau đó mờ dần trong vài tháng. Một số nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của một sao đồng hành vô hình có tác động trọng lực tới V960 Mon, đẩy các khối khí và bụi lên ngôi sao, khiến nó sáng lên và nở ra.

Hiện tại, các quan sát mới về hệ sao được thực hiện bằng hệ thống kính VLT của Đài quan sát Nam Bán Cầu của Châu Âu (ESO) tại Chile và dữ liệu từ tổ hợp kính ALMA cho thấy V960 Mon không chỉ có một ngôi sao đồng hành xen kẽ trong quỹ đạo của nó mà còn có một hệ xoắn (giống như các thiên hà xoắn) dường như đang hút khí và bụi thành những khối khổng lồ có kích thước của các hành tinh.

 

Trung tâm của bức ảnh này là ngôi sao trẻ V960 Mon. Các quan sát thu được bằng kính VLT của ESO, được thể hiện bằng màu vàng trong hình ảnh này, cho thấy các vật chất dạng bụi quay quanh ngôi sao trẻ đang tập hợp thành một loạt các nhánh xoắn ốc kéo dài và có khoảng cách lớn hơn kích thước của toàn bộ Hệ Mặt trời. Trong khi đó, các vùng màu xanh đại diện cho dữ liệu thu được bởi ALMA cho thấy các khối bụi lớn có thể sụp đổ để tạo thành các hành tinh khổng lồ có kích thước gần bằng Sao Mộc. (Nguồn ảnh: ESO/ALMA (ESO/NAOJ/NRAO)/Weber et al.)

 

Alice Zurlo, phó giáo sư tại Đại học Diego Portales ở Chile và cũng đồng tác giả của một nghiên cứu mới về sao tuyên bố: "Phát hiện này thực sự hấp dẫn vì nó đánh dấu lần đầu tiên phát hiện ra các khối xung quanh một ngôi sao trẻ có khả năng hình thành các hành tinh khổng lồ".

Các quan sát của nhóm cho thấy có ít nhất bốn nhánh xoắn ốc uốn lượn từ V960 Mon, một số nhánh kéo dài và rộng hơn toàn bộ hệ mặt trời của chúng ta. Khi nhóm nghiên cứu quan sát kỹ hơn những cánh tay này bằng kính thiên văn ALMA, họ thấy các dấu hiệu cho thấy các vòng xoắn ốc đang dần vỡ ra, với khí và bụi kết lại thành những khối lớn xuyên suốt cấu trúc.

Theo nghiên cứu của nhóm, được công bố vào thứ Ba (25 tháng 7) trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters, những cụm đó rất có khả năng sắp sụp đổ thành các hành tinh khổng lồ có kích thước ít nhất là bằng Sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.

Bên cạnh việc cho chúng ta một hình ảnh tuyệt đẹp để chiêm ngưỡng, việc phát hiện ra các tiền hành tinh này trong hệ xoắn ốc dày đặc của V960 Mon còn cung cấp bằng chứng quan trọng cho một lý thuyết về sự hình thành hành tinh được gọi là mô hình mất ổn định hấp dẫn, cho thấy các hành tinh mới sinh có thể xuất hiện khi một lượng lớn vật chất trong quỹ đạo của một ngôi sao trẻ co lại và sụp đổ.

Philipp Weber, tác giả chính của nghiên cứu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Santiago, Chile, cho biết: “Chưa có ai từng chứng kiến một quan sát thực sự về sự bất ổn định hấp dẫn xảy ra ở quy mô hành tinh - nhưng lúc này đã có”.

Goneww

Theo Livescience