Các nhà khoa học đã xác nhận sự tồn tại của phốt-phát - một thành phần quan trọng cho sự sống - trong một đám khói được phun ra từ bề mặt băng giá của vệ tinh Enceladus của Sao Thổ.
Hình trên: Tàu không gian Cassini của NASA đã chụp được những hình ảnh cận cảnh về nước đá phun ra trong những cột khói khổng lồ từ vệ tinh Enceladus của Sao Thổ. Nghiên cứu mới xác nhận các chùm khói có chứa phốt-pho, một thành phần quan trọng cho sự sống. (Nguồn ảnh: NASA/JPL/Viện Khoa học Vũ trụ)
Các nhà khoa học đã tìm thấy một manh mối khác cho thấy đại dương bên dưới một trong những vệ tinh của Sao Thổ có thể có khả năng hỗ trợ sự sống.
Một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện ra dấu hiệu của natri phốt-phát, một loại muối đôi khi được sử dụng trong thịt nguội trên Trái đất, trong một khối băng bắn ra từ một đại dương dưới bề mặt băng của Enceladus, một trong những vệ tinh của Sao Thổ.
Điều này không có nghĩa là ai đó đang “ướp thịt” xung quanh Sao Thổ; phốt-phát là một thành phần quan trọng cơ bản trong địa hóa học và sinh học. Các nhà thiên văn học từ lâu đã quan tâm đến các đại dương ở những thế giới khác, vì nước là một yêu cầu cơ bản cho sự sống như chúng ta đã biết. Nếu các đại dương “ngoài hành tinh” này cũng chứa muối và các phân tử hữu cơ giống như các đại dương trên Trái đất, thì chúng cũng có khả năng hỗ trợ sự sống.
Điều khó khăn nhất cản trở việc tiếp cận của các robot thám hiểm NASA là các đại dương này bị bao phủ bởi một lớp vỏ băng dày. Tuy nhiên, sự phun trào tại Enceladus thỉnh thoảng lại diễn ra một cách thuận lợi, phun ra vật chất từ đại dương bên dưới trong một dải băng nước lớn. Những cột khói này ban đầu được phát hiện bởi tàu Cassini của NASA, vốn đã di chuyển quanh quỹ đạo của Sao Thổ trong 13 năm và thậm chí đã bay qua một số cột khói của Enceladus, thu thập thông tin ngay trên đường đi của nó.
Hình minh họa tàu không gian Cassini của NASA bay qua một cột hơi nước khổng lồ trên vệ tinh Enceladus. (Nguồn ảnh: NASA/JPL-Caltech)
Khi Cassini phát hiện ra các cột khói khi di chuyển quanh quỹ đạo của Sao Thổ, các nhà khoa học đã phát hiện ra bằng chứng về muối natri (như natri clorua, hay còn gọi là muối ăn và natri bicacbonat, hay còn gọi là baking soda), gợi ý về thành phần hóa học trong các đại dương bên dưới. Nhưng Cassini không được thiết kế để khám phá các cột băng và những đại dương bí ẩn này. Nghiên cứu mới này sử dụng thông tin từ Máy phân tích bụi vũ trụ Cassini (với mục đích ban đầu là để tìm hiểu các thành phần đến từ bụi của vành đai Sao Thổ) nhằm tìm ra một góc nhìn mới về các cột khói này.
Việc phát hiện phốt-phát trên Enceladus giúp các nhà khoa học tổng hợp một bức tranh tổng thề về những gì đang diễn ra bên dưới lớp băng giá của Enceladus. Phốt-phát có xu hướng xuất hiện trong nước có hàm lượng canxi rất thấp — ví dụ: trong "hồ soda" như hồ Mono ở California. Các hồ nước ngọt đặc biệt có tính kiềm — ngược lại với tính axit — và chúng rất giàu muối và các loại phốt-phát khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng loại nước này chính xác là những gì bên dưới bề mặt Enceladus - có thể có nồng độ phốt-pho cao hơn ít nhất 100 lần so với những gì có trong các đại dương trên Trái đất - nhóm nghiên cứu đã báo cáo trong nghiên cứu của họ, được công bố ngày 14 tháng 6 trên tạp chí Nature.
Với phát hiện này, các nhà khoa học giờ đây có nhiều bằng chứng để tự tin nói rằng các luồng khói đến từ đại dương dưới bề mặt của Enceladus chứa đầy phốt-pho quan trọng về mặt sinh học - và họ có thể vẽ lên một viễn cảnh hấp dẫn về nơi sự sống có thể ẩn náu ngay trong Hệ Mặt Trời của chúng ta.
Goneww
Theo Livescience