JUICE

JUICE và Europa Clipper sẽ tới Sao Mộc vào những năm 2030 và mang lại cho các nhà nghiên cứu những thông tin chưa từng có về các vệ tinh băng của hành tinh khí khổng lồ này.

Ngày 14 tháng 4 năm 2023 vừa qua, cơ quan không gian châu Âu (ESA) đã phóng tên lửa mang theo một tàu không gian mà đích đến là Sao Mộc. Con tàu này có tên viết tắt là JUICE (JUpiter ICy moons Explorer / Thiết bị thám hiểm các vệ tinh băng của Sao Mộc). Nó sẽ dành ít nhất 3 năm để thám hiểm các vệ tinh của Sao Mộc sau khi tới đích vào năm 2031. Trong khi đó, vào tháng 10 năm 2024, NASA cũng dự định sẽ phóng tàu Europe Clipper để nghiên cứu các vệ tinh của Sao Mộc.

Sao Mộc - hành tinh lớn nhất của Hệ Mặt Trời - có rất nhiều vệ tinh và thậm chí một số có thể còn chưa được biết tới. Nổi bật nhất trong số đó là 4 vệ tinh lớn nhất được gọi chung là các vệ tinh Galileo. Chúng lớn tới mức có thể dễ dàng quan sát qua những kính thiên văn nghiệp dư - và vì thế đã được Galileo Galilei phát hiện ra từ đầu thế kỷ 17. Các vệ tinh này gồm: Io, Europa, Ganymede và Callisto. Chúng đều có kích thước đủ lớn để có dạng cầu và có thể so sánh với Mặt Trăng của chúng ta - đặc biệt, Ganymede là vệ tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời, nó còn lớn hơn cả Sao Thủy.

Hai nhiệm vụ trước đây của NASA đã giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ được nhiều thông tin về hệ thống vệ tinh này của Sao Mộc. Tàu Galileo đã chuyển động trên quỹ đạo quanh Sao Mộc từ năm 1995 tới năm 2003 và gửi về dữ liệu về đặc điểm địa chất của những vệ tinh lớn này, còn tàu Juno hiện vẫn đang hoạt động và cung cấp cho các nhà khoa học nhiều thông tin chưa từng có trước đó về thành phần, cấu trúc và các điều kiện của Sao Mộc.

 

Sao Mộc và 4 vệ tinh Galileo của nó, từ trong ra ngoài: Io, Europa, Ganymede và Callisto.

 

Trong khi Io là một thế giới của núi lửa với những vụ phun trào liên tiếp và những hồ dung nham, không phải nơi có thể tồn tại nước lỏng, thì ba vệ tinh còn lại là Europa, Ganymede và Callisto đều có bề mặt băng bao phủ, và các nhà khoa học cho rằng có thể có nước lỏng nằm dưới bề mặt băng, lượng nước đó không bị đóng băng do lõi kim loại lỏng của chúng. Trong số đó, đáng chú ý nhất là vệ tinh Europa. Việc phân tích dữ liệu đã thu được về vệ tinh này cho thấy nó rất có khả năng có cả một đại dương ngầm bên dưới bề mặt băng.

Nước lỏng là một điều kiện không thể thiếu đối với sự sống sinh học mà chúng ta biết. Các nhà sinh học thiên văn luôn hướng việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất tới những nơi có tiềm năng của nước ở dạng lỏng, và vì vậy việc nghiên cứu những vệ tinh như vậy ngay trong Hệ Mặt Trời là một trong những ưu tiên hàng đầu.

JUICE và Europa Clipper đều có mục đích chung là tìm kiếm nước và khả năng của sự sống ở các vệ tinh của Sao Mộc. JUICE sẽ dành sự tập trung chính cho Ganymede, còn Europa Clipper - như cái tên của nó - sẽ hướng tới Europa.

Cả hai nhiệm vụ này đều mang theo radar để thăm dò và phát hiện sự có mặt của nước ở phía dưới lớp băng của các vệ tinh, cũng như thiết bị đo từ trường và camera để sớm mang lại những bức ảnh chính xác chưa từng có về bề mặt của những vệ tinh này. Với việc xác định được bằng chứng gián tiếp của nước lỏng của ít nhất một trong số những vệ tinh đó, một nhiệm vụ tiếp theo trong tương lai có thể sẽ mang theo máy khoan để đào sâu vào hàng kilomet băng bao phủ bề mặt của chúng và thực sự tìm ra một đại dương - và có thể cả sự sống trong đó.

Đặng Vũ Tuấn Sơn