Uranus

Tiếp nối việc chụp ảnh Sao Hải Vương vào năm ngoái, kính thiên văn không gian James Webb của NASA/ESA/CSA vừa công bố them một bức ảnh nữa về một hành tinh băng khổng lồ khác của Hệ Mặt Trời: Sao Thiên Vương. Hình ảnh làm nổi bật những vành sắc nét và những điểm sáng đáng chú ý trong khí quyển của hành tinh.

Dữ liệu của Webb chứng minh cho độ nhạy chưa từng có của chiếc kính này, khi nó có thể cho thấy cả những vành bụi mờ nhất của hành tinh này - thứ mà trước đây mới được nhìn thấy đúng 2 lần qua ảnh chụp của tàu Voyager 2 khi nó đi qua rất gần hành tinh này và của đài quan sát Kech nhờ hệ thống quang học đặc biệt của nó.

Là hành tinh thứ 7 tính từ Mặt Trời, Sao Thiên Vương có một trục quay kỳ lạ. Trục của nó nghiêng gần 90 độ so với trục thẳng đứng, và vì thế nó giống như lăn ngang trên quỹ đạo của mình. Với chu kỳ quỹ đạo 84 năm, hành tinh này trải qua chu kỳ mùa đặc biệt với một nửa hành tinh có nhiều năm liền được Mặt Trời chiếu sáng và nửa còn lại là đêm tối liên tục trong khoảng thời gian đó.

Hiện tại, đang là cuối mùa xuân ở Bắc bán cầu của Sao Thiên Vương, còn mùa hè của nó sẽ bắt đầu vào năm 2028. Còn ở thời điểm 1986, khi Voyager 2 bay ngang qua và chụp ảnh hành tinh này, nó đã chụp Nam bán cầu bởi khi đó nơi này là mùa hè. Còn hiện tại, khu vực phía Nam của Sao Thiên Vương đang ở hoàn toàn tối vì không hướng về phía Mặt Trời.

Bức ảnh mới của Webb được chụp bởi máy ảnh cận hồng ngoại (NIRCam), với sự kết hợp của hai bộ học dành cho hai bước sóng 1,4 và 3,0 micron (hay micromet, có giá trị bằng 1 phần triệu của 1 mét).

Trong hình ảnh của Voyager 2 trước đây, Sao Thiên Vương dường như chỉ là một quả cầu màu xanh mà không có chi tiết nào đáng chú ý ở bước sóng biểu kiến. Nhưng với độ nhạy của Webb, chúng ta có thể thấy một bầu khí quyển không ngừng hoạt động.

Ở phía bên phải (như trong hình) là một vùng sáng ở lân cận cực của hành tinh, đang hướng về phía Mặt Trời. Đây là một đặc điểm chỉ có thể có ở Sao Thiên Vương. Nó sáng lên khi vùng này đi vào khu vực được Mặt Trời chiếu sáng trực diện vào mùa hè, và tới mùa thu thì nó sẽ biến mất. Dữ liệu của Webb sẽ tiếp tục giúp các nhà thiên văn hiểu hơn về những cơ chế bí ẩn ở khu vực này - điều mà không có bất cứ đài quan sát nào khác hiện nay có thể làm được.

Ở rìa chỏm sáng quanh cực là một đám mây sáng và một vài chi tiết mờ hơn mở rộng ra xung quanh. Một đám mây sáng thứ hai cũng được nhìn thấy ở bên trái của hành tinh. Những đám mây này được nhìn rõ ở bước sóng hồng ngoại, và có thể liên quan tới hoạt động bão trong khí quyển hành tinh này.

Sao Thiên Vương có 13 vành đã được biết tới, và 11 trong số đó có thể được nhìn thấy trong hình ảnh này. Một vài vành sáng tới mức khi được Webb chụp ảnh, chúng dường như hợp nhất vào vành lớn hơn. 9 vành trong số này được coi là vành chính của hành tinh, còn 2 vành còn lại là những vành bụi mờ vốn không được biết tới trước chuyến bay của Voyager 2. Các nhà khoa học hi vọng rằng những quan sát tiếp theo của Webb sẽ cho phép nhìn rõ 2 vành còn lại đã được phát hiện vào năm 2007 bởi kính Hubble.

Webb cũng đã chụp ảnh được nhiều vệ tinh (trong số 27 đã biết). Mặc dù vậy, ở hình ảnh tổng quát này, chúng quá nhỏ để bạn có thể nhìn thấy. Hiện giờ vẫn đang là năm đầu tiên trong hoạt động khoa học của Webb, và Sao Thiên Vương sẽ tiếp tục là một trong những đối tượng mà nó quan sát.

R.T
Theo Phys.org