CME

Tối ngày 12 tháng 3 vừa qua (giờ Việt Nam), một vụ phun trào nhật hoa lớn từ Mặt Trời đã được ghi nhận, giải phóng ra bức xạ và một lượng lớn hạt năng lượng cao vào không gian.

Vụ phun trào nhật hoa lớn (viết tắt là CME) vừa được phát hiện diễn ra ở mặt bên kia của Mặt Trời (tức là mặt không hướng về phía Trái Đất). Mặc dù các nhà nghiên cứu vẫn cần thêm dữ liệu để xác định được nguồn gốc của vụ phun trào này, nó được cho rằng xuất phát từ một khu vực từng hoạt động mạnh tên là AR3234. Khu vực này hướng về phía Trái Đất trong khoảng thời gian từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 3 vừa qua và là nơi đã giải phóng ra 15 quàng lửa cấp M và đặc biệt là một quầng lửa cấp X (loại mạnh nhất).

Dựa trên dữ liệu thu được, NASA cho biết vật chất từ vụ phun trào này đạt tới vận tốc nhanh bất thường, khoảng 2.127 km/s, khiến nó được xếp vào cấp R (loại hiếm).

Hình ảnh mô phỏng dưới đây cho thấy vụ nổ được giải phóng từ Mặt Trời (vùng sáng ở giữa hình ảnh) và cắn qua Sao Thủy (chấm màu cam). Trái Đất là chấm màu vàng ở vị trí 3 giờ.

Vụ phun trào này có thể gây ảnh hưởng tới vệ tinh thăm dò Mặt Trời Parker của NASA, đang ở gần điểm cận nhật thứ 15 của nó, cách Mặt Trời khoảng 8,5 triệu km. Ngày 13 tháng 3, còn tàu này đã gửi tín hiệu cho biết nó vẫn đang hoạt động bình thường. Các nhà khoa học và kỹ sư sẽ tiếp tục theo dõi dữ liệu mà nó thu được để biết rõ hơn về CME này và những tác động mà nó có thể gây ra.

Vụ phun trào này được gọi là "CME quầng" vì nó lan ra từ Mặt Trời dưới dạng một quầng, hoặc vành, bao quanh Mặt Trời. Mặc dù vụ phun trào này xảy ra ở phía bên kia của Mặt Trời, nó vẫn có ảnh hưởng tới Trái Đất. Khi các CME được ném vào không gian, chúng tạo thành những làn sóng mạnh mẽ có thể gia tốc cho các hạt nằm trên đường đi của chúng lên tới vận tốc cực nhanh, giống như một người lướt sóng bị một cơn sóng biển lớn đánh vào. Những hạt đó có thể vượt khoảng cách 150 triệu km để tới Trái Đất chỉ trong vòng 30 phút.

Mặc dù những hạt năng lượng cao từ phía bên kia của Mặt Trời ít khi chạm tới Trái Đất hơn so với từ mặt trước, nhưng các vệ tinh ở Trái Đất đã ghi nhận được chúng vào đêm 12 tháng 3, có nghĩa là vụ phun trào này đủ mạnh để đẩy các hạt đó tới được tận phía bên kia nơi có Trái Đất.

Bryan
Theo NASA