exoplanet

Các nhà thiên văn vừa thông báo việc phát hiện ra hai ngoại hành tinh chuyển động trên quỹ đạo quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời nằm cách Trái Đất 175 năm ánh sáng. Hai thế giới xa xôi này, có tên là HIP 104045 b và HIP 104045 c, một là hành tinh dạng Sao Mộc và một là "siêu Hải Vương".

Phát hiện này đã được đăng dưới dạng đợi in trên arViv.

Phương pháp đo vận tốc xuyên tâm (RV) được sử dụng để tìm kiếm các ngoại hành tinh dựa trên cơ sở chính là những dao động trong vận tốc của ngôi sao ở trung tâm của các hệ. Những dao động này sinh ra do sự thay đổi hướng của lực hấp dẫn của một ngoại hành tinh nào đó chưa biết khi nó di chuyển xung quanh ngôi sao. Tới nay đã có hơn 600 ngoại hành tinh được phát hiện nhờ kỹ thuật này.

Mới đây, một nhóm các nhà thiên văn do Thiago Ferreira ở Đại học São Paulo (Brazil) đứng đầu đã báo cáo việc phát hiện hai ngoại hành tinh mới nhờ phương pháp nêu trên. Họ đã quan sát ngôi sao dạng Mặt Trời tên là HIP 104045 bằng máy quang phổ "Tìm kiếm hành tinh bằng vận tốc xuyên tâm với độ chính xác cao" (viết tắt là HARPS) gắn trên kính thiên văn 3,6 mét của ESO đặt tại La Silla, Chile. Quan sát này là một phần của chương trình tìm kiếm những ngôi sao tương tự Mặt Trời (STPS), và kết quả là hai ngoại hành tinh lớn đã được phát hiện.

"Trong bài báo này, chúng tôi xin giới thiệu việc khám phá ra hai hành tinh trong hệ HIP 104045: HIP 104045 c là một hành tinh dạng siêu Hải Vương (lớn hơn Sao Hải Vương nhưng nhỏ hơn Sao Mộc và Sao Thổ) nằm ở gần sao mẹ hơn, và HIP 104045 b là một hành tinh dạng Sao Mộc, được quan sát bởi máy quang phổ ESO/HARPS trong chương trình STPS, cũng những chiến dịch bổ sung khác, tạo nên dữ liệu quan sát gần 13 năm," các nhà nghiên cứu cho biết.

HIP 104045 b có khối lượng tối thiểu là một nửa Sao Mộc và chuyển động quanh ngôi sao theo chu kỳ 2.315 ngày, ở khoảng cách 3,46 AU. Trong khi đó, HIP 104045 c có khối lượng tối thiểu là 0,136 Sao Mộc và có chu kỳ quỹ đạo 316 ngày, nằm cách ngôi sao 0,92 AU.

HIP 104045 là một sao có tuổi tương đương Mặt Trời và là một sao tương đối sáng trên dãy chính, thuộc nhóm G5V (theo cách phân loại sao của biểu đồ Hertzsprung-Russell), với khối lượng lớn hơn Mặt Trời của chúng ta vài phần trăm. Ngôi sao này có nhiệt độ bề mặt là 5.826 K và tuổi ước tính là 4,5 tỷ năm.

Dựa trên đặc điểm của ngôi sao này cùng thành phần hóa học của nó, các nhà thiên văn cho rằng hệ này có thể khá giống với Hệ Mặt Trời của chúng ta, với việc tồn tại các hành tinh đá ở phía trong và các hành tinh khí khổng lồ phía ngoài.

Tuấn Phong
Theo Phys.org