X7

Một vật thể bí ẩn đang trôi dần về phía lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của thiên hà Milky Way có thể là tàn dư từ sự phát nổ của hai ngôi sao khi chúng va chạm với nhau - một nghiên cứu cho biết.

Đám vật chất kỳ lạ này được gọi là X7, có khối lượng khoảng 50 lần Trái Đất và di chuyển với vận tốc khoảng 1.125 km/h, chuyển động xoáy vào lỗ đen ở trung tâm thiên hà, bị kéo căng bởi lực triều của lỗ đen.

Giờ đây, qua việc phân tích dữ liệu quan sát trong 20 năm, các nhà vật lý thiên văn cuối cùng đã có được mô hình về vật thể này: nó là một đám mây chứa đầy vật chất tàn dư từ vụ va chạm trực diện của hai ngôi sao khi chúng sáp nhập với nhau. Phát hiện này đã được công bố hôm 21 tháng 2 trên The Astrophysical Journal.

"Không có vật thể nào khác ở khu vực này từng cho thấy sự phát triển rõ rệt như vậy," tác giả chính của nghiên cứu là Anna Ciurlo ở Đại học California, Los Angeles, cho biết. "Ban đầu nó có hình dạng như một sao chổi và mọi người cho rằng đó là hệ quả của gió sao hoặc là một dòng hạt phóng ra từ (khu vực lân cận của) lỗ đen. Nhưng chúng tôi đã theo dõi nó trong 20 năm và thấy rằng nó trở nên dài hơn. Thứ gì đó hẳn đã phải kéo đám mây này ra và đưa nó vào một hướng đi cụ thể như vậy."

Các lỗ đen lớn ra đời từ sự va chạm và sáp nhập của các sao khổng lồ, lớn lên bằng việc không ngừng nuốt lấy khí, bụi, các sao và các lỗ đen khác trong thiên hà tạo sao có chứa chúng. Việc đó có thể khiến chúng trở thành những lỗ đen siêu nặng với khối lượng từ hàng trăm nghìn cho tới hàng tỷ lần Mặt Trời. Những lỗ đen như vậy được tìm thấy ở trung tâm của các thiên hà, nơi tập trung nhiều khối lượng nhất.

X7 chuyển động theo chu kỳ 170 năm quanh lỗ đen trung tâm của thiên hà Milky Way, có tên là Sagittarius A* (thường viết tắt là Sgr A*). Tuy nhiên, sự biến dạng của đám vật chất này cho thấy nó sẽ không đi được hết chu kỳ này, mà sẽ bị lực hấp dẫn mạnh mẽ của lỗ đen "kéo mì" thành một dạng sợi dài trước khi rơi hẳn vào lỗ đen.

Các nhà nghiên cứu cho rằng X7 là một đám khí và bụi có nguồn gốc từ sự sáp nhập của hai ngôi sao, một sự kiện rất phổ biến trong thiên hà, đặc biệt là ở khu vực gần các lỗ đen. Khi hai sao va chạm và hợp nhất, chúng ném ra ngoài một đám mây chứa đầy plasma nóng rực mà sau đó trở thành đám khí khổng lồ này.

Để xác nhận giả thuyết về đám mây đặc biệt này, các nhà thiên văn sẽ tiếp tục theo dõi nó để xem nó sẽ thay đổi ra sao từ bây giờ cho tới gần cuối đời - ngay trước khi nó bị nuốt chửng bởi Sgr A*.

R.T
Theo Livescience