Các nhà khoa học đã phát hiện ra một đám mây khí có hình dạng kỳ lạ như một con nòng nọc ở gần trung tâm của thiên hà chúng ta, có thể là nơi có một lỗ đen khối lượng trung bình hiếm gặp.
Trong nghiên cứu được công bố vào tháng trước trên The Astrophysical Journal (Tạp chí Vật lý thiên văn), các nhà nghiên cứu tại Nhật Bản đã mô tả đám mây khí và bụi kỳ lạ này. Nó có hình dạng như một con nòng nọc khổng lồ, nằm gần khu vực trung tâm của thiên hà Milky Way, cách Trái Đất 27.000 năm ánh sáng, thuộc khu vực của chòm sao Sagittarius.
Khu vực trung tâm của Milky Way là một nơi cực kỳ đậm đặc với những đám mây bụi nơi các sao hình thành, bao quanh lỗ đen siêu nặng Sagittarius A*. Ở một nơi như vậy, hình dạng và chuyển động của đám mây hình nòng nọc này vẫn gây sự chú ý cho các nhà khoa học.
Sử dụng dữ liệu quan sát của Kính thiên văn James Clerk Maxwell đặt tại Hawaii và Kính thiên văn vô tuyến 45-m Nobeyama ở Nagano (Nhật Bản), nhóm nghiên cứu đã phân tích đám mây này và khu vực xung quanh nó ở nhiều bước sóng. Các nhà nghiên cứu thấy rằng "con nòng nọc" này là một khí khí và bụi bị kéo giãn ra một cách bất thường bởi lực hấp dẫn mạnh mẽ của một vật thể ở gần đó. Tuy nhiên, dù ở bước sóng nào, họ cũng không thể xác định được cụ thể thứ gì đủ nặng để gây ra sự biến dạng như vậy.
Sự vắng mặt rõ ràng này là một manh mối lớn chỉ ra sự tồn tại của một vật thể vô hình. Theo các nhà nghiên cứu, đó có thể là một lỗ đen khối lượng trung bình - thứ chưa từng được xác nhận trong thiên hà của chúng ta.
Trường hấp dẫn của lỗ đen khiến cho không có bất cứ thứ gì, kể cả ánh sáng, có thể đi ra được từ nó, và vì thế các nhà thiên văn không thể nhìn thấy lỗ đen một cách trực tiếp. Dù vậy, họ có thể xác nhận được sự tồn tại của chúng thông qua những hiệu ứng mà chúng gây ra cho không gian xung quanh.
Hầu hết các lỗ đen đã được biết tới ngày nay thuộc hai loại: lỗ đen khối lượng sao (loại lỗ đen ra đời từ sự sụp đổ cuối đời của các sao nặng, và có thể đạt tới 100 lần khối lượng Mặt Trời) và lỗ đen siêu nặng (nằm ở trung tâm của các thiên hà và khối lượng từ hàng triệu tới hàng tỷ lần khối lượng Mặt Trời).
Ở giữa hai loại lỗ đen vừa nêu là loại thứ ba: lỗ đen khối lượng trung bình. Những đối tượng này được cho là có khối lượng từ trên 100 cho tới 100.000 lần khối lượng Mặt Trời. Cho tới nay, mới chỉ có một số "ứng viên" được cho rằng có thể là lỗ đen khối lượng trung bình ở các thiên hà khác, mà chưa từng có trường hợp nào được xác nhận trong thiên hà Milky Way.
Khi các nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu từ việc quan sát đám mây nòng nọc, họ thấy rằng lời giải khả dĩ nhất cho hình dạng kỳ lạ của nó là một lỗ đen có khối lượng khoảng 100.000 lần Mặt Trời.
Mặc dù phát hiện này còn cần thêm nhiều quan sát nữa để xác nhận, việc có thể có một lỗ đen khối lượng trung bình tồn tại ở gần trung tâm của thiên hà gợi ý rằng khu vực này có thể đông đúc và phức tạp hơn cả những dự đoán trước đây. Phát hiện này cũng mang tới cho các nhà thiên văn một đối tượng đầy hứa hẹn để nghiên cứu và săn lùng thứ được coi là hiếm có nhất vũ trụ này.
Bryan
Theo Livescience