exoplanet

Một nhóm các nhà thiên văn học đã xác nhận sự tồn tại của K2-415b, một ngoại hành tinh cỡ Trái Đất có quỹ đạo quanh một sao lùn M nằm cách chúng ta chỉ 72 năm ánh sáng. Kết quả của họ đã được công bố dưới dạng đợi in trên arXiv.

Trong nỗ lực tìm kiếm xem liệu có sự sống ở hành tinh nào đó đủ gần để nghiên cứu hay không, các nhà khoa học đã thu hẹp phạm vi của mình lại để hướng sự ưu tiên tới những ngôi sao mà ở đó có những hành tinh có tiềm năng cho sự sống. Các hành tinh này có thể được tìm ra bằng cách xác định những dao động nhỏ mà chúng gây ra cho ngôi sao của mình do sự thay đổi của lực hấp dẫn trong quá trình chuyển động trên quỹ đạo.

Sau khi được xác nhận, các nhà khoa học tiếp tục xác định khoảng cách từ hành tinh tới ngôi sao. Những hành tinh quá cảnh - tức là mặt phẳng quỹ đạo của chúng hướng về phía Trái Đất nên từ Trái Đất, các nhà khoa học có thể thấy việc ánh sáng từ ngôi sao mờ đi một cách đều đặn do hành tinh lướt qua phía trước nó - được các nhà khoa học dành sự quan tâm hơn cả bởi chúng cho phép các quan sát thu được dữ liệu đầy đủ hơn. Ví dụ, khi ánh sáng từ ngôi sao đi qua khí quyển của hành tinh, phân tích quang phổ có thể cho biết về thành phần khí quyển của hành tinh đó. Bên cạnh đó, lượng ánh sáng bị che bớt cũng là cơ sở để xác định kích thước của hành tinh và cả khoảng cách từ nó tới ngôi sao - những thông số rất quan trọng quyết định xem liệu một hành tinh có khả năng cho sự sống hay không.

Các nhà nghiên cứu mới đây đã tìm thấy một ngôi sao mới khi phân tích dữ liệu thu được từ kính thiên văn không gian Kepler. Tiếp đó, họ xác nhận phát hiện này bằng việc kiểm chứng qua dữ liệu của TESS (một đài quan sát không gian có mục tiêu xác định sự tồn tại của các ngoại hành tinh thông qua phương pháp quá cảnh).

Các nhà nghiên cứu xác định được rằng K2-415b có kích thước rất gần với kích thước của Trái Đất, mặc dù có khối lượng lớn hơn nhiều. Nó có quỹ đạo ở gần sao mẹ hơn nhiều so với khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, và chỉ mất 4 ngày để hoàn thành một vòng quỹ đạo.

Khoảng cách quá gần khiến cho hành tinh này khó có thể có sự sống, mặc dù sao mẹ của nó nguội hơn Mặt Trời nhiều. Nhưng dù vậy, hành tinh này dường như có khí quyển, và điều đó khiến cho nó rất đáng để được tiếp tục nghiên cứu. Quan trọng hơn, có thể còn những hành tinh khác chuyển động quanh ngôi sao của hệ này, và điều đó có nghĩa là hệ K2-415 vẫn sẽ tiếp tục là một đối tượng cho những nghiên cứu tiếp theo.

R.T
Theo Phys.org