Wow! signal

Tín hiệu Wow!(*) nổi tiếng vẫn là một trong những tín hiệu vô tuyến tiềm năng hấp dẫn nhất từng được phát hiện đối với việc tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI). Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa lí giải được về nguồn gốc của tín hiệu này.

Kính thiên văn vô tuyến Big Ear của Đại học Bang Ohio (Mỹ) đã bắt được tín hiệu Wow! có tần số gần giống với tần số của vạch phổ hydro tại bước sóng 21cm là 1.420 MHz (Vạch phổ này có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành thiên văn học vô tuyến vì nó được tạo ra bởi sự thay đổi trạng thái năng lượng của các nguyên tử hydro trung hòa – thứ chiếm phần lớn trong không gian. Ngoài ra, vạch phổ này có bước sóng dài nên có thể xuyên qua các đám mây bụi khí trong không gian liên sao để tới Trái Đất. Cũng vì thế, chúng ta có thể dùng nó để xác định khối lượng và mật độ vật chất của các thiên hà). Mặc dù tín hiệu này hấp dẫn như thế nhưng nó chỉ kéo dài trong 72 giây và sau đó biến mất ... và không bao giờ xuất hiện lần nào nữa.

Các nhà khoa học đã nghiên cứu và tìm kiếm tín hiệu này, nhưng họ không bao giờ thấy nó phát ra lần nào nữa. Vậy nó có phải là một trường hợp nhiễu sóng vô tuyến từ Trái Đất hay không? Hay là một loại tín hiệu vô tuyến tự nhiên không xác định? Hay trên thực tế, nó có thể là một tín hiệu tới từ một nền văn minh ngoài Trái Đất nào đó? Có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời chắc chắn. Nhưng các nhà thiên văn vẫn đang cố gắng xác định chính xác nguồn gốc của tín hiệu này.

Giờ đây, nhóm nghiên cứu của dự án Breakthrough Listen (một dự án về tìm kiếm thông tin liên lạc từ các trí thông minh ngoài Trái Đất được khởi động vào năm 2016 thuộc chương trình khoa học “Sáng kiến đột phá” do Julia và Yuri Milner tài trợ) đang báo cáo kết quả tìm kiếm của riêng họ về sự tái xuất hiện của tín hiệu Wow!. Họ đã cho công bố nghiên cứu được bình duyệt của mình trên Research Notes of the AAS (Ghi chú Nghiên cứu của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ - một nơi lưu trữ các nghiên cứu về thiên văn đang trong quá trình thực hiện hoặc các báo cáo về quan sát tại một thời điểm mà kết quả thu được không đáp ứng đủ điều kiện để trở thành một bài báo chính thức) vào tháng 9 năm 2022.

 

Liệu tín hiệu Wow! có phải được phát ra từ một ngôi sao dạng Mặt Trời?

Cuộc tìm kiếm mới này xoay quanh ngôi sao tương tự như Mặt Trời là 2MASS 19281982-2640123, nằm cùng hướng với tín hiệu được phát hiện lần đầu tiên. Ngoài ra, sao này có nhiệt độ, bán kính và độ chói tương tự như Mặt Trời và nằm cách Trái Đất 1.788 năm ánh sáng trong chòm sao Sagittarius. Trước đó, vào năm 2020, nhà thiên văn Alberto Caballero đã xác định rằng ngôi sao này có thể là nguồn gốc phát ra tín hiệu Wow!.

Kính thiên văn vô tuyến Big Ear sử dụng hai còi cấp dữ liệu để thu âm thanh, gồm một đầu dương và một đầu âm. Bằng việc sử dụng dữ liệu từ sứ mệnh Gaia (Gaia là kính thiên văn không gian của ESA được thiết kế với nhiệm vụ thành lập bản đồ không gian 3 chiều của khoảng 1 tỷ sao mà nó quan sát được trong Milky Way), nhóm nghiên cứu của Caballero đã tìm thấy được 38 sao loại K và 28 sao loại G trong phạm vi phát hiện của còi tín hiệu. Cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã xác định 2MASS 19281982-2640123 là ngôi sao duy nhất giống như Mặt Trời trong nhóm đó.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của dự án Breakthrough Listen đã sử dụng các tiêu chuẩn lọc nâng cao hơn để nghiên cứu chi tiết các sao trong khu vực này. Cuối cùng, họ đã tìm thấy 8 ngôi sao giống như Mặt Trời tại nơi mà tín hiệu Wow! có thể phát ra.

Nhóm nghiên cứu này cũng đã sử dụng cả Kính thiên văn Green Bank (thực hiện 2 quan sát trong 30 phút) và Tổ hợp Kính thiên văn Allen (thực hiện 6 quan sát trong 5 phút). Cuộc tìm kiếm này tập trung vào tìm kiếm dải tần L của phổ vô tuyến (có tần số từ 1-2 GHz). Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm các tín hiệu dải tần hẹp, vì có nhiều khả năng nó là tín hiệu nhân tạo. Cả 2 kính thiên văn này đều quét bầu trời trong khoảng thời gian 9 phút 40 giây.

 

Một cuộc tìm kiếm mới về tín hiệu Wow! được tiến hành nhưng không thu được kết quả gì

Vậy, kết quả là gì? Thật không may, cũng như những tìm kiếm trước đó, các nhà nghiên cứu không tìm thấy bất cứ điều gì. Như Breakthrough Listen đã tuyên bố:

Không có ứng viên mang dấu hiệu công nghệ nào được tìm thấy, mặc dù vẫn còn rất nhiều ngôi sao khác mà tín hiệu có thể phát ra từ đó.

Như bài báo này đã ghi nhận:

Cả hai lần quan sát bằng kính thiên văn đều thực hiện cùng lúc trong khoảng thời gian 580 giây. Trong khi các cuộc tìm kiếm ngẫu nhiên bằng kính thiên văn vô tuyến đã được thực hiện trong phạm vi quan sát toàn diện ở nơi mà tín hiệu Wow! được phát hiện lần đầu tiên, thì giờ đây lần đầu tiên một cuộc tìm kiếm có chủ đích được thực hiện. Tuy nhiên, không có ứng viên mang dấu hiệu công nghệ nào được phát hiện cả.

Đó là một kết quả đáng thất vọng khác, nhưng như đã có nói, chúng ta đã tìm thấy có ít nhất 8 ngôi sao dạng Mặt Trời trong khu vực được cho là nơi phát ra tín hiệu Wow!. Sớm hay muộn thì các quan sát trong tương lai sẽ tập trung vào một số trong những ngôi sao này.

 

Vậy còn những ngôi sao khác?

Nói chung, chúng ta thường cho rằng các sao dạng Mặt Trời là những mục tiêu lý tưởng vì sự sống trên Trái Đất đã tiến hóa với cùng một loại sao chính là Mặt Trời của chúng ta. Nhưng còn các sao lùn đỏ thì sao? Đáng chú ý khi chúng là loại sao phổ biến nhất trong thiên hà của chúng ta, và các nhà thiên văn đã tìm thấy nhiều ngoại hành tinh chuyển động quanh chúng, trong đó có cả những thế giới đá như Trái Đất. Chúng ta vẫn chưa biết khả năng nào để sự sống có thể bắt nguồn trên các hành tinh quanh các sao lùn đỏ, nhưng từ những gì chúng ta đã biết cho tới nay thì có vẻ như có một khả năng hợp lý cho điều này. Liệu có bao nhiêu ngôi sao trong số những sao này nằm trong vùng có thể nghe thấy tín hiệu Wow!?

Kết luận: Các nhà khoa học làm việc với dự án Breakthrough Listen vừa thực hiện một cuộc tìm kiếm mới xung quanh một ngôi sao dạng Mặt Trời để thăm dò về tín hiệu Wow! nổi tiếng từng được phát hiện vào năm 1977. Nhưng thật không may, họ không nghe thấy gì cả.

Hồng Anh
Theo Earthsky

(*): Wow! là một tín hiệu lạ phát ra từ không gian được phát hiện bởi kính thiên văn vô tuyến Big Ear khi nó hướng ống kính về phía chòm sao Sagittarius vào năm 1977. Nhưng vài ngày sau đó, tín hiệu này mới được nhà thiên văn Jerry R. Ehman chú ý tới và ông đã ghi nhận xét “Wow!” ngay cạnh kết quả tìm được trên trang giấy. Từ đó, “Wow!” đã trở thành tên của tín hiệu nổi tiếng này cho tới ngày nay.