HIP 65426 b

Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) đã chụp được bức ảnh đầu tiên về một ngoại hành tinh - một hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.

Thứ năm tuần trước, ngày 1 tháng 9, các quan sát ở bước sóng hồng ngoại của chiếc kính này về ngoại hành tinh HIP 65426 b đã được công bố ở dạng đợi in trên arXiv.

Hành tinh trẻ này là một "siêu-Sao Mộc" với khối lượng khoảng 6 tới 8 lần khối lượng của Sao Mộc và chuyển động quanh một sao loại A (theo phân loại quang phổ) có kích thước khoảng gấp đôi Mặt Trời, cách Trái Đất khoảng 349 năm ánh sáng, ở vùng trời của chòm sao Centaurus.

Aarynn Carter - tác giả chính của phát hiện, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ở Đại học California, Santa Cruz - trả lời Live Science: "Đây là một thời khắc đáng chú ý vì nhiều lý do. Trước hết, đây là lần đầu tiên chúng tôi chụp ảnh được một hành tinh ở bước sóng trên 5 micron."

Micron, hay còn gọi là micromet, có giá trị bằng một phần triệu của một mét, là đơn vị để các nhà thiên văn đo bước sóng điện từ phát ra ở dải hồng ngoại. Sóng điện từ có bước sóng dài hơn ánh sáng biểu kiến, thường được xác định là từ 0,75 micron trở lên. Khác với những kính thiên văn không gian khác, JWST có thể quan sát dải sóng trải rộng từ 0,6 tới 28 micron. Để dễ so sánh hơn, thì kính thiên văn không gian Hubble chỉ có thể quan sát được tới 2,5 micron còn các kính thiên văn mặt đất hiện nay mới chỉ tới tối đa là 2,2 micron. Vì vậy, JWST mang lại cho các nhà thiên văn khả năng quan sát ở một phạm vi rộng hơn rất nhiều so với trước đây.

Các nhà thiên văn đã quan sát HIP 65426 b với sự hỗ trợ của 7 bộ lọc, mội bộ lọc cho phép một bước sóng hồng ngoại nhất định đi qua. Độ chính xác của chiếc kính thiên văn này thực sự khiến họ kinh ngạc.

"Kính thiên văn này còn nhạy hơn cả chúng tôi trông đợi, nhưng nó cũng rất ổn định," Carter nói. Nghiên cứu của Carter cho thấy JWST đủ mạnh để phát hiện được những ngoại hành tinh nhỏ hơn so với những gì chúng ta từng làm được trước đây.

"Trước đây chúng tôi bị giới hạn khả năng quan sát chỉ ở các siêu-Sao Mộc (những hành tinh lớn hơn Sao Mộc), nhưng giờ đây chúng tôi có thể chụp ảnh được những vật thể có kích cỡ của Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương," Carter cho biết.

Chụp ảnh trực tiếp các ngoại hành tinh là rất khó vì chúng dễ dàng bị che mờ bởi ánh sáng của chính ngôi sao. JWST chặn ánh sáng nhiễu dó bằng một chiếc đĩa được gọi là máy thu nhật hoa (tạm dịch) gắn trên cả hai máy ảnh chính của kính. HIP 65426 b được phát hiện lần đầu vào năm 2017 qua quan sát hồng ngoại từ đài quan sát VLT của ESO đặt ở Chile và đã trở thành mục tiêu để kiểm tra độ chính xác của JWST và qua đó tìm hiểu xem làm thế nào để chụp được hình ảnh rõ nét nhất có thể của các ngoại hành tinh ở dải trung hồng ngoại.

HIP 65426 b có thể được nhìn thấy bất chấp ánh sáng từ sao mẹ của nó vì nó nằm cách ngôi sao này xa gấp 100 lần khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trời, mặc dù vậy thì nó cũng mờ hơn ngôi sao khoảng 10.000 lần ở dải sóng hồng ngoại.

Với khởi đầu này, việc trực tiếp quan sát được khí quyển của các hành tinh ở bước sóng hồng ngoại chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều thông tin trong tương lai khi mà chiếc kính này được dự định sẽ hoạt động trong vòng 20 năm nữa hoặc hơn.

Bryan
Theo Live Science