NGC 55 ULXs

Sử dụng hai kính thiên văn không gian là XMM-Newton của ESA và Swift của NASA, một nhóm các nhà thiên văn học đã quan sát thiên hà NGC 55 ở khá gần chúng ta. Họ phát hiện ra một nguồn tia X siêu sáng mới trong thiên hà này. Phát hiện này đã được đăng dưới dạng bản đợi in của arXiv hôm 19 tháng 7.

Những nguồn tia X siêu sáng (viết tắt là ULX) là những nơi phát ra nhiều tia X tới mức mỗi nguồn như vậy phát ra bức xạ ở dải này nhiều gấp 1 triệu lần toàn bộ các bước sóng mà Mặt Trời phát ra. Chúng phát sáng không mạnh bằng các nhân thiên hà hoạt động, nhưng là những nguồn sáng hơn bất cứ quá trình nào diễn ra ở các ngôi sao từng được biết tới. Mặc dù đã có những nghiên cứu về các ULX, bản chất cơ bản của những nguồn này vẫn còn là bí ẩn.

Nằm cách chúng ta 6,5 triệu năm ánh sáng (tức là rất gần theo thang khoảng cách liên thiên hà), NGC 55, hay còn được gọi là thiên hà Cá Voi, là một trong những thiên hà gần chúng ta nhất trong Cụm Địa Phương (cụm thiên hà nhỏ nơi có thiên hà của chúng ta). Khối lượng của nó được ước tính là khoảng 20 tỷ lần khối lượng Mặt Trời. Những quan sát trước đây của kính XMM-Newton đã hé lộ rằng nó có chứa ít nhất một ULX.

Giờ đây, một nhóm các nhà thiên văn do Alessandra Robba ở Đại học Palermo (Italy) đứng đầu đã thông báo về việc phát hiện ra một ULX mới trong NGC 55. Đối tượng này được ký hiệu là XMMU J001446.81-391123.48 và từng được phân loại vào dạng nguồn tia X tạm thời, nhưng rồi họ nhận ra rằng độ sáng của nó cao tới mức nó cần phải được xếp loại lại là một ULX.

Trong bài báo của mình, các nhà nghiên cứu viết: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi cung cấp bằng chứng về một ULX mới (cái thứ hai) trong thiên hà NGC 55, nhờ các quan sát của XMM-Newton."

Những quan sát mới và sâu hơn của XMM-Newton cho phép nhóm của Robba tìm ra rằng XMMU J001446.81-391123.48 đạt độ chói quá 1,6 duodecillion erg/s. Do đó, nguồn này được xác nhận là một ULX và được đặt lại ký hiệu là NGC 55 ULX-2.

Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng do tính chất tạm thời của một số ULX, những nguồn mới phát hiện không phải luôn là những nguồn mới. NGC 55 ULX-2 là một ví dụ tốt bởi trong một số trường hợp, những nguồn như vậy được phát hiện với độ chói dưới 1 duodecillion erg/s trước khi đạt tới độ chói của các ULX.

Nghiên cứu cho thấy khác với nhiều nguồn tạm thời khác được đặc trưng bởi quang phổ cứng, NGC 55 ULX-2 có quang phổ mềm, và vì thế nó được phân loại là ULX mềm. (Trong quan sát quang phổ, tia X có năng lượng photon lớn hơn 10 keV được gọi là tia X cứng, còn dưới đó được gọi là mềm).

Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi độ chói của nguồn này cho cho thấy những biến đổi có thể tới từ tốc độ bồi tụ hoặc sự dao động của quỹ đạo. Mặc dù vậy, các tìm kiếm khác được thực hiện chưa đưa lại được nhiều thông tin rõ ràng về nguồn sáng này.

Bryan
Theo Phys.org