SMC

Có ít nhất là hàng trăm tỷ thiên hà trong vũ trụ, mỗi thiên hà chứa hàng tỷ sao, và chúng có ở mọi hướng khi nhìn lên bầu trời. Nhưng ở một số hướng, các thiên hà ở gần ngăn cản tầm nhìn của chúng ta vào những nơi xa hơn của vũ trụ. Giờ đây, một nhóm nghiên cứu ở đại học Keele (Vương quốc Anh) đã dựng nên bản đồ lớn nhất từng có về những thiên hà còn ẩn giấu trước đây. Jessica Craig giới thiệu về nghiên cứu của họ trong tuần này ở Hội nghị Thiên văn học Quốc gia (Anh) diễn ra ở Đại học Warwick.

Các nhà thiên văn học nhìn vào hai Đám Mây Magellan - một cặp thiên hà có thể nhìn thấy bằng mắt thường ở Nam bán cầu. hai thiên hà này chiếm một vùng khá rộng trên bầu trời, và do đó chúng chặn tầm nhìn của chúng ta vào những thiên hà xa hơn ở khu vực đó. Vì thế, các nhà thiên văn thường phải bỏ qua khu vực này của bầu trời khi quan sát các thiên hà ở xa.

Sử dụng kính thiên văn khảo sát VISTA ở Chile, nhóm nghiên cứu đã chụp ảnh hai thiên hà ở gần này với độ chính xác đủ cao để có thể nhìn xuyên qua những khoảng trống giữa các ngôi sao của chúng. Nhờ cách này họ có thể nhìn thấy những thiên hà ở xa hơn, mặc dù bụi trong không gian liên sao của hai thiên hà kia khiến những thiên hà ở xa đó trở nên mờ và đỏ hơn.

Giải pháp được sử dụng ở đây là dùng kính thiên văn vô tuyến, và trong trường hợp này thì kính được sử dụng là hệ thống kính khảo sát thiên hà Australia rộng 1 km² (viết tắt là GASKAP). Nó giúp dựng nên bản đồ chi tiết về khí trong các Mây Magellan, cho phép đo được thành phần bụi và biết được các ngôi sao đã bị làm cho "đỏ hơn" ở mức nào.

Một vấn đề được quan tâm nữa là việc phân biệt các sao và thiên hà. Có quá nhiều những điểm sáng để có thể phân biết được một cách thủ công. Vì thế nhóm nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ đài quan sát Gaia để đo những dịch chuyển rất nhỏ về vị trí của các sao theo thời gian, khi mà họ đã biết rằng những thiên hà ở xa thì không thay đổi vị trí. Các thiên hà cũng đỏ hơn so với các sao, và nhờ đó màu sắc cũng là cái giúp các nhà thiên văn loại bỏ thêm được nhiều sao khỏi dữ liệu. Màu sắc cũng cho biết các thiên hà ở cách chúng ta bao xa thông qua việc ngoại suy từ dịch chuyển đỏ của chúng (các thiên hà ở xa đều đang dịch chuyển ra xa do sự giãn nở của vũ trụ).

Công nghệ học máy (machine learning) được ứng dụng để xử lý phần còn lại của dữ liệu. Toàn bộ việc này giúp nhóm nghiên cứu dựng thành công bản đồ 3D lớn nhất từng có về các thiên hà bị ẩn giấu trước đây phía sau các Mây Magellan, với tổng cộng khoảng 1 triệu thiên hà.

Jessica Craig bình luận: "Các Mây Magellan là những người đồng hành vũ trụ tuyệt đẹp, nhưng không may rằng chúng chặn mất một phần tầm nhìn của chúng ta về những đối tượng xa xôi hơn. Công việc của chúng tôi là giúp chúng ta vượt qua vấn đề đó, và qua đó lấp đầu những khoảng trống trong những bản đồ của chúng ta về vũ trụ."

Bryan
Theo Phys.org