Các nhà nghiên cứu ở Đại học Cologne (Đức) và Đại học Masaryk (Cộng hòa Czech) đã phát hiện ra ngôi sao di chuyển nhanh nhất từ trước tới nay. Ngôi sao S4716 này chuyển động trên quĩ đạo quanh Sgittarius A* - lỗ đen siêu nặng ở trung tâm của thiên hà chúng ta - với chu kỳ 4 năm và vận tốc quỹ đạo lên tới 8.000 km/s.
S4716 nằm cách lỗ đen khổng lồ của chúng ta chỉ 100 AU. Một AU (ký hiệu viết tắt của đơn vị thiên văn) được qui ước là khoảng cách trung bình từ Trái Đất tới Mặt Trời, có giá trị ~149,6 triệu km. Phát hiện này đã được công bố mới đây trên The Astrophysical Journal.
Trong khu vực lân cận của lỗ đen trung tâm Milky Way có một cụm sao rất đặc được các nhà thiên văn gọi là cụm sao S. Nó là mái nhà của hàng trăm ngôi sao với khối lượng và độ sáng khác nhau. Các sao này đều di chuyển rất nhanh.
"Một thành viên nổi bật trong cụm này là sao S2. Nó hành xử giống như một người to con ngồi ngay trước mặt bạn trong rạp chiếu phim, chắn tầm nhìn của bạn vào những chi tiết quan trọng," Tiến sĩ Florian Peissker - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết. "Tầm nhìn vào trung tâm thiên hà của chúng ta bị cản trở bởi S2. Tuy nhiên, trong những khoảnh khắc ngắn, chúng tôi có thể quan sát được khu vực bao quanh lỗ đen."
Bằng cách liên tục cải tiến các phương pháp phân tích, cùng với các quan sát kéo dài gần 20 năm, các nhà khoa học đã có thể xác định được rằng có một ngôi sao di chuyển quanh lỗ đen siêu nặng này với chu kỳ chỉ 4 năm. Tổng cộng có năm kính thiên văn đã quan sát ngôi sao, và bốn trong số đó được kết hợp vào chung một kính lớn để có được những quan sát thậm chí còn chi tiết và chính xác hơn nữa.
"Với một ngôi sao ở quỹ đạo ổn định nằm quá gần và quá nhanh ở khu vực lân cận lỗ đen siêu nặng, phát hiện này hoàn toàn là điều không ngờ tới và nó đánh dấu giới hạn của những quan sát mà kính thiên văn truyền thống có thể thực hiện được," Peissker nói.
Hơn thế nữa, phát hiện này còn mang tới thêm nhiều thông tin về nguồn gốc và quá trình tiến hóa của những sao chuyển động nhanh trên quỹ đạo ở trung tâm của Milky Way. Theo Michael Zajaček - nhà vật lý thiên văn ở Đại học Masaryk - thì "Quỹ đạo gọn gàng và rất ngắn hạn của S4716 là rất khó hiểu. Các sao không thể dễ dàng hình thành như vậy ở gần lỗ đen. S4716 đã di chuyển vào phía trong, có thể do việc tương tác với chính các sao và vật thể khác trong cụm S."
Bryan
Theo Phys.org